Hội thảo chuyên đề về phạm vi thông tin được tiếp cận và hạn chế tiếp cận trong dự thảo Luật Tiếp cận thông tin

18/12/2014
Hội thảo chuyên đề về phạm vi thông tin được tiếp cận và hạn chế tiếp cận trong dự thảo Luật Tiếp cận thông tin
Trong hai ngày 15-16/12/2014, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án UNDP “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền” đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về phạm vi thông tin được tiếp cận và hạn chế tiếp cận trong dự thảo Luật Tiếp cận thông tin. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành ở trung ương, đại diện các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân các tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên và các thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập của Dự án Luật Tiếp cận thông tin. Đồng chí Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội thảo.

Dự án Luật Tiếp cận thông tin được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 10. Đây là một trong những dự án luật quan trọng nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, cụ thể hóa các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nói chung và Điều 19 Hiến pháp năm 2013 về quyền tiếp cận thông tin nói riêng. Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Hoàng Thế Liên đã nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của Dự án Luật này, đồng thời, khẳng định mục đích của việc xây dựng Luật tiếp cận thông tin là nhằm tạo lập khung pháp lý thống nhất để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để bảo vệ quyền, lợi ích của họ, tạo cơ hội cho người dân được tham gia giám sát hoạt động quản lý nhà nước, đóng góp ý kiến vào việc hoạch định chính sách cũng như công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, góp phần chống tham nhũng; tăng chất lượng và tính hiệu quả trong hoạt động của cơ quan nhà nước; tăng cường dân chủ, công bằng và sự hợp tác giữa người dân và Nhà nước, cải thiện mối quan hệ giữa nhà nước và công dân; tạo niềm tin của công chúng vào cơ quan công quyền.

 

Tại Hội thảo, bà Dương Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã trình bày tóm tắt Báo cáo khoa học về nhu cầu tiếp cận thông tin và các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức. Báo cáo chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện công khai thông tin và quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về quyền tiếp cận thông tin từ phía công dân, tổ chức và cơ quan nhà nước; thiếu cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin.

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay Bộ Tư pháp đang nghiên cứu xây dựng Dự án Luật Tiếp cận thông tin trong bối cảnh Hiến pháp năm 2013 đã có những sửa đổi lớn, đề cao việc ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật bảo vệ bí mật nhà nước, sửa đổi Luật Báo chí và nhiều dự án luật khác có liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức. Đây là cơ hội, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu cho việc xây dựng Dự án Luật Tiếp cận thông tin, vừa bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức, vừa bảo đảm không gây khó khăn, cản trở hoạt động của các cơ quan, tổ chức, không làm mất đi tính chủ động, tính linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức này.

Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật Tiếp cận thông tin nhằm thể chế hóa đầy đủ tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2014, tạo phương thức thực hiện quyền làm chủ nhà nước của nhân dân, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong hoạt động của cơ quan nhà nước, góp phần phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng cho rằng việc quy định quyền tiếp cận thông tin của công dân phải được tiến hành cùng với việc quy định một cách rõ ràng, minh bạch các giới hạn của quyền này bao gồm cả các quy định về bí mật nhà nước, bí mật đời tư…

 

Chia sẻ về kinh nghiệm của Hoa Kỳ và một số nước trên thế giới trong việc quy định quyền tiếp cận thông tin, ông Birian Giacometi, chuyên viên quốc tế về quyền tự do thông tin cho rằng quyền tự do thông tin và tiếp cận thông tin được ghi nhận tại Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966. Hiện nay đã có hơn 100 quốc gia ban hành luật về quyền tiếp cận thông tin. Trong quá trình xây dựng Dự án Luật Tiếp cận thông tin, Việt Nam có thể nghiên cứu kinh nghiệm của quốc tế về vấn đề này, đồng thời bảo đảm tính tương thích với hệ thống chính trị - pháp lý của Việt Nam.

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Hoàng Thế Liên khẳng định việc xây dựng Luật Tiếp cận thông tin trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 cần bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung của Hiến pháp về việc ghi nhận và hạn chế quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Việc quy định quyền tiếp cận thông tin của công dân cũng đồng thời với quy định trách nhiệm của Nhà nước phải bảo đảm điều kiện để công dân thực thi quyền này. Mọi sự giới hạn hay hạn chế quyền của công dân đều phải được luật định và chỉ bởi những lý do quy định tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013. Trong bối cảnh hệ thống pháp luật của nước ta đã có một số văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công khai thông tin trong các lĩnh vực chuyên ngành, cần nghiên cứu cách thức quy định tại Dự án Luật này sao cho không có sự chồng lấn trong hệ thống pháp luật./.


Phạm Hậu Vụ PLDSKT