Hội thảo có sự tham gia của 24 quốc gia, lãnh thổ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã đến dự và phát biểu tại hội thảo.
Khẳng định vai trò của công chứng
Ông Daniel Sedar Senghor, Chủ tịch Liên minh Công chứng quốc tế cho biết, Hội thảo này là một nỗ lực lớn của Hội Công chứng TP.HCM trong công tác phối hợp. Ông Daniel Sedar Senghor cũng cho rằng, thách thức đối với nền công chứng toàn cầu là khẳng định vai trò công chứng của mình trong lĩnh vực đất đai. Với mục tiêu này, Liên minh Công chứng quốc tế đã tổ chức nhiều hội thảo liên quan đến đất đai…
Còn ông Jean Paul Decorps, Chủ tịch danh dự Liên minh Công chứng quốc tế nhận định: Việt Nam đang xây dựng nền công chứng hiện đại đảm bảo an toàn cho các giao dịch để người dân được hưởng lợi. Ông vui mừng khi gặp lại Bộ trưởng Hà Hùng Cường - người trước đây đã có nhiều đóng góp giúp Công chứng Việt Nam phát triển và có hành lang pháp lý tốt như hiện nay.
Tại Hội thảo, GS Akio Yamanome (Đại học Waseda Nhật Bản) đã trình bày một số thông tin về lịch sử quyền sở hữu bất động sản tại Nhật. Theo quy định của pháp luật Nhật Bản, người chủ sở hữu mới phải cùng với người phải công bố quyền sở hữu (ví dụ là người bán chẳng hạn) xin công bố quyền sở hữu về các quyền lợi liên quan đến bất động sản.
Trong quá trình thực hiện thủ tục, người này xuất trình mã số cá nhân đã được cấp cho việc công bố tài sản cá nhân, nhờ đó viên chức phụ trách quyền sở hữu bất động sản xác định được lý lịch và nguyện vọng của người phải công bố quyền sở hữu…
Công chứng viên Valter Cesar Schmidt – thành viên Hội Công chứng quốc tế cho biết: “Trong mọi quy trình cấp giấy chứng nhận đất đai, các quốc gia nên chú ý đến sự hỗ trợ của Hội Công chứng, vì công chứng viên (CCV) là chuyên gia về pháp luật, am hiểu việc tiếp nhận nguyện vọng của các bên xem có phù hợp với luật pháp hay không. Do vậy mà CCV có thể “chỉ đạo” hay đi kèm quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhờ kiến thức sẵn có, đem lại sự an toàn về mặt pháp lý cho quy trình”.
Tiến tới thành lập Hiệp hội Công chứng Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định: Cùng với việc khẳng định “đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước được quản lý theo pháp luật”, Hiến pháp mới của Việt Nam cũng đã quy định: “Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật, quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ”.
Theo Bộ trưởng, đây là cơ sở hiến định quan trọng cho việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai trong thời gian tới. Là thành viên thứ 84 của Liên minh Công chứng quốc tế, cách tiếp cận trong phát triển thiết chế công chứng của Việt Nam ngày càng tương đồng với hệ thống công chứng Latinh.
Bộ trưởng cũng cho biết, việc mở rộng lĩnh vực hoạt động của công chứng bao gồm cả việc công chứng bản dịch, bản sao giấy tờ và thực hiện các dịch vụ khác có liên quan như giúp người dân, doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, thu thuế…
Bên cạnh đó, luật cho phép tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công chứng thông qua quy định việc chuyển đổi Phòng Công chứng thành Văn phòng Công chứng, bổ sung các quy định về thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp công chứng, các CCV có nghĩa vụ tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp của CCV.
Tới đây, Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Công chứng sẽ được Chính phủ ban hành cũng quy định rõ về vấn đề này, tạo tiền đề tiến tới thành lập Hiệp hội Công chứng Việt Nam dự kiến vào năm 2016 – Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng, việc triển khai thực hiện tốt các quy định mới của Luật Công chứng sẽ là điều kiện quan trọng để Công chứng Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, trở thành một dịch vụ công đặc biệt hữu hiệu để phục vụ và bảo vệ người dân, minh bạch hóa các quan hệ dân sự. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực và chỉ số cạnh tranh quốc gia của Việt Nam; đồng thời tạo điều kiện để Công chứng Việt Nam thực hiện đầy đủ và hiệu quả nghĩa vụ thành viên của Liên minh Công chứng quốc tế.
Với trên 1.500 CCV, gần 800 tổ chức hành nghề công chứng; công chứng hơn 1 triệu hợp đồng, giao dịch mỗi năm, trong đó chủ yếu là hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, bất động sản; hoạt động công chứng ở Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho việc đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch dân sự kinh tế, tạo lập môi trường pháp lý tin cậy cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, thương mại và đầu tư, đồng thời góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách tư pháp.
Luật Công chứng (sửa đổi) khẳng định chức năng xã hội của CCV là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, qua đó góp phần ổn định kinh tế - xã hội.
Phong Trần