Thẩm định dự thảo Luật Thủ đô

16/03/2010
Thẩm định dự thảo Luật Thủ đô
Hôm 13/3, dự thảo Luật Thủ đô (LTĐ) đã được đưa ra trước Hội đồng thẩm định gồm 17 thành viên (đến từ Văn phòng TƯ Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ Tư pháp, Công an, VHTT&DL, Tài chính, Xây dựng, Nội vụ, KH&ĐT, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội và các chuyên gia độc lập) do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng làm Chủ tịch.

Đánh giá chung, các thành viên ban soạn thảo đều nhất trí về tính cần thiết phải xây dựng dự thảo LTĐ, cũng như những nội dung cơ bản về mục tiêu, yêu cầu, đối tượng... của dự thảo LTĐ. Đa số ý kiến cho rằng, quá trình soạn thảo LTĐ là “không đơn giản” nên với hồ sơ thẩm định dự thảo LTĐ là sự “chuẩn bị công phu và nghiêm túc”. Ông Trần Hào Hùng (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ KH&ĐT) nhận xét: “Tôi từng có kinh nghiệm tham gia soạn thảo nhiều dự thảo văn bản pháp luật khác nhau, với số đầu mục tài liệu của hồ sơ thẩm định dự thảo LTĐ cho thấy Ban soạn thảo đã chuẩn bị nghiêm túc, trách nhiệm”. Còn ông Nguyễn Hữu Đức (Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương – Bộ Nội vụ) nhận thấy: “Luật có nhiều quan điểm tiến bộ để xây dựng và phát triển TĐ”.

Thay mặt Ban soạn thảo và Tổ Biên tập, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật này là “Tạo không gian pháp lý thoáng đãng cho Hà Nội phát huy hết tiềm năng để đi đầu trong mọi lĩnh vực”, nhưng phải thận trọng trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Thủ đô, sửa đổi Pháp lệnh và tạo cơ chế mới cho Hà Nội.

Trên cơ sở đó, để xây dựng LTĐ phải xác định cho Hà Nội cái gì mới so với mặt bằng chung. 3 yếu tố quyết định cái mới của Hà Nội là Hà Nội có điều kiện tốt hơn những địa phương khác (văn hóa, kinh tế, trí thức...); phát triển Hà Nội là vì cả nước, cả nước vì Hà Nội (nếu xem Hà Nội như các địa phương khác thì trách nhiệm của cả nước đối với sự phát triển của TĐ và tính đại diện của TĐ cho cả nước là chưa có) .

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề của TĐ không thể tự quyết định mà phải khắt khe hơn như vấn đề an ninh quốc phòng, hành vi của TĐ (đại diện cho cả nước, truyền thống dân tộc). Và theo đánh giá của ông Liên, yếu nhất của pháp luật nước ta không phải là hệ thống văn bản mà là yếu tố thực thi. Vì vậy, Hà Nội có điều kiện nhất thì cần có yêu cầu cao hơn về thực thi pháp luật.

Dự thảo LTĐ đưa ra những qui định cơ chế mới nhưng bảo đảm thực thi. Luật qui định chung về mọi lĩnh vực, sau đó từng Sở làm việc với từng ngành để xem phạm vi phân cấp, cho quyền (tài chính, giao thông...) đến đâu. Nếu không thỏa hiệp được thì coi như LTĐ thất bại.

Cuối cùng Thứ trưởng Liên nhấn mạnh, Hà Nội muốn nhiều nhưng trước tiên phải nghiêm chỉnh thực hiện những qui định đã có mới yêu cầu cái mới. Do đó, “Đừng vì 1000 năm Thăng Long mà đưa ra một sản phẩm (LTĐ) như « hoa giấy » mà phải chất lượng!”.

Trên tinh thần đó, sau khi tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định, dự thảo LTĐ sẽ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Chính phủ cho ý kiến trong phiên họp thường kỳ tháng 3 tới./.

H.Giang