Hướng tới sửa đổi Bộ luật Dân sự 2005: Hộ gia đình không còn là chủ thể giao dịch dân sự?

11/03/2010
Ngày 10/3, với sự phối hợp của Dự án Jica, Bộ Tư pháp đã tổ chức toạ đàm bình luận dự thảo 1.4 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 - phần liên quan đến hợp đồng.

Chưa rõ khái niệm hộ gia đình

Đại diện Tổ Biên tập - bà Nguyễn Thị Hạnh (Bộ Tư pháp) cho biết, mặc dù dự thảo chưa sửa đổi các quy định về hộ gia đình nhưng đây đang là vấn đề gây bức xúc và có nhiều tranh luận. Theo pháp luật hiện hành, khái niệm về hộ gia đình chưa được xác định rõ, gây ra các cách hiểu khác nhau. Chẳng hạn, hộ gia đình là các thành viên theo sổ hộ khẩu hay hộ gia đình bao gồm các thành viên có quan hệ huyết thống và quan hệ hôn nhân. Khi quyết định về tài sản của hộ gia đình phải có sự đồng ý của các thành viên là không phù hợp với thực tiễn. Do vậy, thực tế gặp rất nhiều vướng mắc khi giải quyết mối quan hệ giữa chủ thể là hộ gia đình và các chủ thể khác, nhất là việc xác định tài sản được mang ra giao dịch là tài sản của ai, ai có quyền quyết định đối với tài sản ấy. Từ đó, hiện đang có 2 quan điểm trái ngược về việc BLDS có nên quy định hộ gia đình như một chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự hay không.

Ủng hộ việc chưa nên bỏ quy định về hộ gia đình trong BLDS, ông Ngô Huy Cương (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, nếu bỏ chế định này có thể sẽ dẫn tới những xáo trộn xã hội lớn. Ông Cương phân tích, hộ gia đình là chủ thể được nhà nước giao đất, giao rừng; hay hộ kinh doanh được xác lập chủ yếu dựa trên hộ gia đình… “Nên có giải thích một cách cụ thể về hộ gia đình”, ông Cương đề xuất. Còn theo bà Vũ Thị Minh Hồng (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), hộ gia đình vẫn là một chủ thể trong các quan hệ pháp luật dân sự như hôn nhân gia đình, đất đai…

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại tán thành quan điểm BLDS không nên duy trì hộ gia đình là một chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự có tính chất chung. Ông Phùng Trung Tập (Đại học Luật Hà Nội) đánh giá, hộ gia đình không phù hợp với điều kiện hiện tại. Trên thực tế, nó không phải là một chủ thể độc lập trong quan hệ dân sự có tính chất chung mà chỉ là chủ thể trong quan hệ hành chính, xã hội như được giao đất, được cho vay xoá đói giảm nghèo… Đồng tình với ông Tập, ông Nguyễn Am Hiểu (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, loại trừ khỏi BLDS không có nghĩa hộ gia đình không được coi là chủ thể mà vẫn là chủ thể trong các quan hệ xã hội khác. Tham dự toạ đàm, các chuyên gia Nhật Bản kiến nghị, Việt Nam cần nghiên cứu thật thoả đáng và tiến hành điều tra xã hội học để cân nhắc xem có nên đưa hộ gia đình ra ngoài BLDS hay không.

“Tô đậm” quy định bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng

Cùng với việc thêm Điều 616a về bồi thường thiệt hại cho cộng đồng (Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh), dự thảo 1.4 cũng bổ sung hẳn một mục mới trong Chương XXI của BLDS 2005 về bồi thường thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra. Theo đó, người sản xuất, nhà cung cấp, nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do khuyết tật từ sản phẩm mà mình sản xuất, phân phối hoặc nhập khẩu gây ra, dù có bị ràng buộc bằng một hợp đồng với người bị thiệt hại hay không. Trường hợp chứng minh được trình độ khoa học công nghệ vào thời điểm sản phẩm được đưa vào lưu thông không cho phép phát hiện ra khuyết tật hoặc khuyết tật phát sịnh là do phải tuân thủ các quy định bắt buộc của pháp luật thì người sản xuất không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trước ý kiến băn khoăn cho rằng liệu có trùng với dự luật bảo vệ người tiêu dùng cũng đang được xây dựng, ông Vũ Đức Long (Bộ Tư pháp) khẳng định, phạm vi điều chỉnh của quy định trên là rộng hơn. Có chuyên gia bình luận, đây là quy định khá tiến bộ nhưng đề xuất nên có thêm phương án 2 là chỉ đưa ra nguyên tắc, còn cụ thể để Chính phủ hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định, hướng dẫn chi tiết.

Thục Quyên