Sẽ có Nghị định quy định cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng

02/10/2014
Sẽ có Nghị định quy định cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng
Xác định xây dựng thành phố Đà Nẵng “trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, một trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung”, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xây dựng và sẽ ban hành hành Nghị định về cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng. Chiều nay (02/10), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng và một số Bộ, ngành về dự thảo Nghị định này.

Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng cho biết, dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý và được áp dụng riêng cho thành phố Đà Nẵng để Đà Nẵng có đủ điều kiện, nguồn lực cần thiết xây dựng thành phố trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung, tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh miền Trung theo Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị. Ông cũng đã tóm tắt những nội dung cơ bản, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề quan trọng của dự thảo Nghị định.

Phát biểu tại buổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đã yêu cầu các đại biểu cho ý kiến về toàn bộ nội dung dự thảo Nghị định, tập trung vào những vấn đề như sự cần thiết ban hành, sự phù hợp của dự thảo Nghị định với hệ thống văn bản pháp luật, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định, đặc biệt là cho ý kiến về cơ chế đặc thù vượt mức đã được quy định tại một số văn bản pháp luật mà thành phố Đà Nẵng đề xuất trong dự thảo Nghị định.

Nâng mức huy động không vượt quá 150% tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản

Theo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), thì mức huy động của thành phố Đà Nẵng là 100% tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp thành phố, tuy nhiên Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị “cho phép huy động vốn hàng năm cao hơn tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách thành phố”. Mặt khác, nhu cầu huy động vốn để đầu tư là rất lớn. Do đó, thành phố Đã Nẵng đề xuất xin cơ chế đặc thù được nâng mức huy động không vượt quá 150% tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản.  

   

Về vấn đề này, bà Nguyễn Bích Hằng, Phó Trưởng phòng Ngân sách địa phương, Vụ Ngân sách, Bộ Tài chính cho rằng phải tuân theo Luật Ngân sách (sửa đổi), do đó mức huy động của thành phố Đà Nẵng cũng chỉ là 100% tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp thành phố. Bà cũng đề nghị một số nội dung không nên đưa vào nội dung Nghị định vì không thuộc thẩm quyền của Chính phủ như quyết định tỉ lệ điều tiết và định mức phân bổ chi ngân sách…

Không quy định cứng mức chi bổ sung cho công chức, viên chức

Để bảo đảm chính sách khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức, UBND thành phố Đà Nẵng đề xuất cho phép Đà Nẵng “căn cứ vào khả năng ngân sách, UBND thành phố trình HĐND thành phố quyết định cơ chế bổ sung thu nhập cho công chức, viên chức trên địa bàn thành phố”. Về vấn đề này, theo ông Lê Trọng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Nội vụ thì mức chi bổ sung cho từng loại cán bộ, công chức so với bình thường phải gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ. Đồng thời, đề nghị hàng năm, UBND phải xây dựng Đề án trình HĐND cùng cấp phê duyệt trước khi chi bổ sung.

Vấn đề vượt thẩm quyền phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Dự thảo Nghị định quy định cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng, do vậy có một số nội dung của dự thảo Nghị định sẽ khác với với cơ chế dành cho các tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Tường Thu, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cần phải phân loại những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ để đưa vào dự thảo Nghị định, những vấn đề nào vượt thẩm quyền thì cần phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, đặc biệt là những vấn đề vượt luật, nhất là Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công…