Đẩy mạnh thi hành pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động Tư pháp, góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương hành chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân

29/09/2014
Đẩy mạnh thi hành pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động Tư pháp, góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương hành chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân
Trong hai ngày 24 và 25 tháng 9 năm 2014, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai và Hội nghị tập huấn thực hiện Nghị định số 110/2013/NĐ -CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Hội nghị có sự tham gia đại diện Lãnh đạo Sở, Thanh tra các Sở Tư pháp khu vực phía Nam (từ Quảng Nam trở vào), đại diện Lãnh đạo, Thanh tra Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, tỉnh Nình Bình, đại diện Cục Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ và 06 Chi cục Thi hành án dân sự của thành phố Cần Thơ và một số công chức Thanh tra Bộ Tư pháp.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thắng Lợi, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp đã phổ biến, quán triệt nội dung cơ bản, những điểm mới và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 110/2013/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP là một trong số những Nghị định có phạm vi điều chỉnh tương đối rộng, gồm 08 chương, 75 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 11 tháng  11 năm 2013 và thay thế Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp; Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; Nghị định số 10/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản. Nghị định này chính là một trong những công cụ không thể thiếu của hoạt động quản lý nhà nước nói chung, trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã nói riêng. Việc triển khai, quán triệt và tập huấn Nghị định số 110/2013/NĐ-CP nhằm giúp các công chức các cơ quan Tư pháp địa phương, các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý hiểu rõ, nắm bắt được các nội dung cơ bản của Nghị định, đặc biệt là các nội dung về hành vi vi phạm, mức phạt, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Tham gia Hội nghị tập huấn, đồng chí Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, chuyên gia pháp luật, đã giới thiệu nội dung Sổ tay nghiệp vụ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã với 160 câu hỏi-giải đáp tình huống. Đây là những tình huống xuất phát từ thực tiễn đã được đúc kết thành câu hỏi, trả lời để hướng dẫn áp dụng. Các đại biểu đã sôi nổi chia sẻ kinh nghiệm, nêu các khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính tại địa phương mình. Cụ thể là: Thanh tra các Sở Tư pháp hiện nay lực lượng còn rất mỏng, có nơi chỉ có 01 Chánh Thanh tra và 01 Phó Chánh Thanh tra do đó rất khó chủ động ra Quyết định thanh tra; hoạt động thanh tra của Sở Tư pháp chưa được cấp kinh phí hoạt động riêng mà bị phụ thuộc vào kinh phí hành chính chung của Sở Tư pháp; Thanh tra Sở Tư pháp còn nhiều nơi chưa mở được tài khoản riêng để hoạt động; Biện pháp “hủy bỏ giấy tờ giả” chưa được hướng dẫn trình tự, thủ tục nên khi phát hiện ra giấy tờ giả còn lung túng trong khâu xử lý; Nghị định chưa quy định các biểu mẫu văn bản cho nên nhiều nơi thực hiện chưa thống nhất; việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự rất khó triển khai thực hiện do Chấp hành viên có tâm lý e ngại do người phải thi hành án còn đang phải thi hành bản án…Trên 60 câu hỏi, vấn đề thắc mắc của các đại biểu nêu ra đã được Thanh tra Bộ Tư pháp và các chuyên gia giải đáp cụ thể, những khó khăn, vướng mắc đều được ghi nhận.

Qua Hội nghị tập huấn, các đại biểu đề xuất Bộ Tư pháp sớm có Thông tư hướng dẫn về biên chế tổ chức, kinh phí hoạt động cho Thanh tra các Sở Tư pháp; có văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả khi xử phạt vi phạm hành chính và quy định các biểu mẫu giấy tờ về xử lý vi phạm hành chính để Thanh tra các Sở Tư pháp áp dụng thống nhất.   

Việc tổ chức triển khai thực hiện và tập huấn có hiệu quả Nghị định trên thực tế sẽ góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương hành chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính cũng như đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với vi phạm hành chính trong các lĩnh vực có liên quan./.

                                 Thanh tra Bộ Tư pháp