Sơ kết tình hình, kết quả hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ 6 tháng đầu năm

31/07/2014
Sơ kết tình hình, kết quả hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ 6 tháng đầu năm
Sáng nay (31/7),Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền, Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) chủ trì phiên họp về tình hình, kết quả hoạt động VSTBPN 6 tháng đầu năm 2014.

Tại phiên họp, đồng chí Phan Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ tóm tắt kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm và dự kiến những nội dung của 6 tháng cuối năm của Ban VSTBPN. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, công tác bình đẳng giới và vì VSTBPN ngành Tư pháp đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực lồng ghép về vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, đặt biệt là các văn bản có hiệu lực pháp lý cao và có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến phụ nữ như Bộ luật Dân sự sửa đổi, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hộ tịch, Luật Hòa giải cơ sở…; Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quán triệt sâu sắc nội dung các văn bản Luật mới được Quốc hội thông qua, đồng thời thực hiện tuyên tuyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em trong nhiều chương trình, dự án có liên quan đến phụ nữ và người chưa thành niên góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. 

   

Đồng tình với những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, đồng chí Trần Văn Quảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó trưởng Ban VSTBPN cũng lưu ý, mặc dù Ban VSTBPN có nhiều cố gắng, triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, “có một vấn đề lớn nhất nhưng chưa làm được, đó là sự tiến bộ thực chất của phụ nữ còn ở giai đoạn chờ đợi, chưa thực sự phát huy hết được hết tiềm năng, mặc dù lực lượng nữ trong ngành ngày càng đông và ở nhiều nơi giữ vai trò quyết định”. Tiềm năng của cán bộ nữ còn chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng, do vậy cần phải tăng cường phổ biến, tuyên truyền để đánh giá đúng tiềm năng của cán bộ nữ. Đồng chí cũng khẳng định, với lực lượng đó, trong tương lai, vai trò của phụ nữ vẫn tiếp tục được khẳng định, do đó, Ban VSTBPN cần “có những bước đi, kế hoạch cụ thể, tạo điều kiện để cán bộ nữ tiếp tục được bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ” để làm nguồn quy hoạch bổ nhiệm.

   

Các đại biểu dự họp đã nhất trí với báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm, đồng thời chia sẻ một số vấn đề liên quan đến hoạt động bình đẳng giới và VSTBPN tại đơn vị. Đồng chí Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp nhận định, Bộ Tư pháp là một trong những Bộ đi đầu trong công tác bình đẳng giới và VSTBPN, do có nhiều thuận lợi để tiếp cận một cách toàn diện công tác này từ phía “người làm chính sách và người thi hành chính sách”. Theo đồng chí, để đạt được thực chất trong vấn đề bình đẳng giới, Ban VSTBPN cần phải “mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong việc xây dựng chính sách cho phụ nữ”.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đánh giá cao hoạt động của Ban VSTBPN, trong thời gian qua, Ban VSTBPN đã hoạt động rất nề nếp, chất lượng và hiệu quả. Qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, các đồng chí là thành viên của Ban đồng thời là Lãnh đạo của các đơn vị thuộc Bộ, đã tham mưu cho Bộ, Chính phủ, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, xây dựng pháp luật. Thông qua hoạt động chuyên môn của các đơn vị, vấn đề lồng ghép bình đẳng giới đã được thực hiện rất tốt. Thứ trưởng cũng chỉ ra một số hạn chế và nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong công tác này và đề nghị: thành viên của Ban tiếp tục tham gia triển khai hoạt động của Ban, đồng thời, thông qua việc thực hiện chuyên môn sẽ đóng góp mạnh mẽ hơn cho sự nghiệp bình đẳng giới; đẩy mạnh tuyên truyền và có những hành động thiết thực để bảo đảm bình đẳng giới thiết thực trong thời gian tới; tiếp tục thực hiện tốt lồng ghép bình đẳng giới trong việc thực hiện chuyên môn nhiệm vụ của các đơn vị./.