Tăng cường hợp tác, giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh

29/07/2014
Tăng cường hợp tác, giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh
Phát biểu tại Hội nghị tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam – Lào lần thứ hai khai mạc tại thủ đô Viêng-chăn (Lào) ngày 29/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: “Hội nghị tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam - Lào là diễn đàn quan trọng để các cơ quan tư pháp và thi hành án dân sự địa phương các tỉnh đường biên thảo luận, đề xuất những giải pháp tăng cường hợp tác giữa các cơ quan tư pháp và thi hành án dân sự hai nước, cùng nhau giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh theo chủ trương tư pháp hướng về cơ sở, góp phần bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân và gìn giữ đường biên giới hòa bình Việt Nam – Lào”.

Nhiều hoạt động hợp tác thực hiện hiệu quả

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới biến động phức tạp, khó lường, việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam – Lào ngày càng thực chất hơn đã trở thành nhu cầu cần thiết hơn bao giờ hết, không những đảm bảo cho mỗi nước giữ vững ổn định, phát triển và hội nhập mà còn góp phần quan trọng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác và nâng cao vai trò, vị thế của mỗi dân tộc trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Tháng 6/2011, Hội nghị tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam – Lào lần thứ nhất được tổ chức tại Thanh Hóa. Hội nghị này đã thông qua kết luận với 6 nhóm nhiệm vụ cần triển khai thực hiện, bao gồm: việc giải quyết các tồn đọng về vấn đề quốc tịch và hộ tịch của người dân vùng biên giới hai nước; tăng cường phổ biến pháp luật cho người dân khu vực biên giới; đẩy mạnh hợp tác tương trợ tư pháp; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2011 -2015 giữa hai Bộ Tư pháp; việc tổ chức năm đoàn kết Việt - Lào và tổ chức Hội nghị tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam – Lào lần thứ hai.

Sau 2 năm thực hiện, theo đánh giá của Bộ trưởng Hà Hùng Cường “kết luận nói trên đã được hai Bộ Tư pháp nói chung, các Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự (THADS) có chung đường biên giới nói riêng tích cực triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức, đạt nhiều kết quả cụ thể và ngày càng đi vào chiều sâu; nhiều hoạt động hợp tác giữa các cơ quan tư pháp và THADS địa phương hai nước tổ chức thực hiện khá hiệu quả, tạo được sự lan tỏa lớn. Việc thực hiện hợp tác trong khuôn khổ thỏa thuận giữa hai Bộ Tư pháp giai đoạn 2011-2015 ngày càng được đẩy mạnh, đến nay đã có 7/10 cặp tỉnh có chung đường biên giới ký kết các thỏa thuận hợp tác/biên bản ghi nhớ”.

Với những kết quả đạt được, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định thông qua việc triển khai kết luận tại Hội nghị tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam – Lào lần thứ nhất, mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan tư pháp và THADS địa phương có chung đường biên giới hai nước ngày càng được tăng cường, góp phần thiết thực vào việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo đảm cho người dân ở vùng biên giới hai nước làm ăn, sinh sống ổn định; ngăn chặn và làm thất bại các hoạt động chống phá của thế lực thù địch; phòng chống các loại tội phạm qua biên giới; tiếp tục xây dựng tuyến biên giới Việt – Lào hòa bình, hữu nghị, qua đó cũng làm sâu sắc hơn, thúc đẩy tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt –Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.

Vẫn còn những vụ thi hành án kéo dài

Báo cáo tình hình thực hiện kết luận tại Hội nghị tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam – Lào lần thứ nhất của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp Việt Nam Đặng Hoàng Oanh cho biết: Với sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, cấp ủy và chính quyền địa phương, các cơ quan tư pháp các tỉnh biên giới Việt-Lào đã tiến hành rà soát, thống kê các trường hợp kết hôn không giá thú, người không có quốc tịch cư trú tại khu vực biên giới Việt-Lào. Trên cơ sở đó, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành giải quyết các vấn đề về xin nhập quốc tịch, hộ tịch (đăng ký kết hôn và khai sinh quá hạn) cho các đối tượng có nguyện vọng. Kết quả là hầu hết các đối tượng không quốc tịch cư trú ổn định tại các tỉnh biên giới Việt-Lào từ 20 năm trở lên (tính đến ngày 01/7/2009) đã được nhập quốc tịch theo nguyện vọng, tạo điều kiện và cơ sở để cơ quan công an tiến hành cấp các giấy tờ tùy thân cho bà con.

Về triển khai thực hiện Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về giải quyết vấn đề di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, ngoài những hoạt động tích cực từ Chính phủ, Bộ Tư pháp và các ngành ở TƯ, các cơ quan tư pháp địa phương cũng đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho chính quyền địa phương của các tỉnh có chung đường biên giới với Lào trong việc phối hợp trao trả các đối tượng vượt biên trái pháp luật, dân di cư tự do đảm bảo chặt chẽ, kịp thời, an toàn, phối hợp giải quyết các vụ việc xâm canh, xâm cư qua hai bên biên giới.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp Việt Nam đã chỉ đạo Sở Tư pháp 10 tỉnh có chung đường biên giới với Lào tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân vùng biên. Các địa phương cũng chủ động tổ chức nhiều đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các huyện vùng biên, hướng dẫn tổ chức sinh hoạt cho các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, trong 03 năm gần đây (2011-2013), số yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự của Việt Nam là 12, yêu cầu của Lào là 1. Các yêu cầu này tập trung chủ yếu là lĩnh vực thi hành án. 11 yêu cầu tương trợ tư pháp của Việt Nam năm 2011 là yêu cầu thi hành án phí hình sự trong vụ án mà đương sự là công dân Lào đã thi hành án phạt tù xong và được hồi hương, tuy nhiên các đương sự này chưa hoàn thành phần dân sự trong các bản án.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Đặng Hoàng Oanh,việc thực hiện kết luận Hội nghị tư pháp các tỉnh đường biên Việt – Lào lần thứ nhất vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như các yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam gửi Lào trong 03 năm qua đều chưa nhận được phản hồi của phía Lào; Việc thực hiện một số Thỏa thuận hợp tác giữa các tỉnh/thành phố của Việt Nam với các tỉnh/thành phố của Lào còn chưa thật sự hiệu quả; Trong công tác thi hành án dân sự, sự phối hợp, hướng dẫn của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết thi hành án các vụ việc cụ thể còn chưa thật sự chặt chẽ, rõ ràng. Do vậy, nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài không giải quyết được...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận để cùng tìm ra giải pháp tháo gỡ. Dự thảo kết luận tại Hội nghị lần này cũng được các đại biểu góp ý để hai bên ký ban hành làm cơ sở thực hiện các hoạt động hợp tác trong thời gian tiếp theo.

                                                                                                Thu Hằng