Đề án liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi

24/04/2014
Đề án liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi
Chiều ngày 23/04, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp với các Bộ, ngành về Đề án liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ năm 2014, Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính (TTHC) (Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi) trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2014.

Mô hình một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cho người dân được triển khai từ giữa năm 2007. Đây là bước tiến quan trọng trong cải cách TTHC, là giải pháp hữu hiệu làm thay đổi thái độ ứng xử của công chức, viên chức, nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong giải quyết các công việc cho người dân.

 

 

Theo quy định hiện hành, việc thực hiện các TTHC: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi được thực hiện riêng biệt tại từng cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Qua thực tế cho thấy việc thực hiện quy định này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Các thủ tục được thực hiện một cách riêng lẻ, khép kín trong từng ngành là chủ yếu, sự phối hợp giữa các ngành là chưa đáng kể. Việc tách bạch ra các thủ tục riêng lẻ do từng cơ quan có thẩm quyền giải quyết khác nhau buộc người dân phải đi đến nhiều cơ quan, phải làm nhiều bộ hồ sơ, khai đi khai lại nhiều thông tin cá nhân trùng lắp, dẫn đến nhiều trường hợp thông tin của người dân tại các cơ quan quản lý và nội dung trong các giấy tờ do các cơ quan nhà nước cấp cho người dân không thống nhất (Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế…). Điều này không những gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước mà còn gây phiền hà cho người dân trong thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự… Xét về góc độ cải cách TTHC thì cách làm này đang tạo ra sự lãng phí về thời gian, tốn kém về giấy tờ và gây phiền hà cho người dân.

 

 

Mục tiêu tổng quát của Đề án là nhằm thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch, cư trú, bảo hiểm y tế nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC thuộc trách nhiệm của các ngành Tư pháp, Công an, Bảo hiểm xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này. Qua đó, đơn giản hóa, công khai minh bạch thủ tục, giấy tờ; tiết kiệm chi phí xã hội; rút ngắn thời gian giải quyết các việc về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước, từ đó xóa bỏ các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết các việc của người dân, bảo đảm tính chính xác, thống nhất của các thông tin về nhân thân của cá nhân trong các cơ sở dữ liệu về dân cư và chuyên ngành, nhằm phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, cư trú, bảo hiểm y tế.

Tham dự cuộc họp đại diện các Bộ, ngành đã có nhiều ý kiến góp ý về phạm vi điều chỉnh của Đề án cần mở rộng thêm cả việc đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú; tình hình chậm đăng ký khai sinh, cấp trùng, cấp sai thẻ bảo hiểm y tế, không đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử có ảnh hưởng đến các quan hệ dân sự, việc thất lạc sổ hổ khẩu, xóa đăng ký thường trú là những vấn đề cần có sự cân nhắc khi thể hiện trong đề án và góp ý sắp xếp lại bố cục của Đề án…

 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đề nghị Cục Kiểm soát thủ tục hành chính ghi nhận những ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh Đề án. Thứ trưởng nhấn mạnh, về phạm vi điều chỉnh cần cân nhắc và nghiên cứu thêm việc mở rộng đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú...

Thứ trưởng cũng yêu cầu thực hiện rà soát để xem xét tính hợp pháp, tránh tình trạng mâu thuẫn giữa Đề án với các văn bản quy phạm pháp luật; tổng hợp các ý kiến góp ý để hoàn thiện Đề án, xây dựng quy trình đảm bảo tính thống nhất, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện việc xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về thời điểm ban hành Đề án cũng như việc áp dụng mở rộng trên phạm vi cả nước nội dung của Đề án