Hội thảo quyền lập pháp, lập quy và uỷ quyền lập pháp

26/03/2014
Hội thảo quyền lập pháp, lập quy và uỷ quyền lập pháp
Nhằm phục vụ cho việc xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hợp nhất, trong khuôn khổ hoạt động hợp tác giữa Bộ Tư pháp và Dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam (Canada), ngày 25/3, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo quốc tế “Quyền lập pháp, lập quy và uỷ quyền lập pháp”.
Tham dự hội thảo có đại diện nhiều Bộ, ngành, tổ chức, cơ quan hữu quan, 14 Sở Tư pháp, các chuyên gia pháp luật trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và ông Isabeau Vilandre, Giám đốc Văn phòng dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.

Hội thảo đã dành thời gian để nghe các chuyên gia trong nước và quốc tế trình bày những quy định của pháp luật và chia sẻ quan điểm về quyền lập pháp, lập quy, uỷ quyền lập pháp cũng như kinh nghiệm của một số nước trong vấn đề này.

Mở đầu hội thảo, GS. TS Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã so sánh quy định của các Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992 về quyền lập pháp, lập quy và ủy quyền lập pháp, từ đó đưa ra nhận xét chung về quyền lập pháp, lập quy tại Việt Nam và khẳng định cần phải phân biệt quyền lập pháp và lập quy, cũng như phải quy định rõ về uỷ quyền lập pháp trong luật. Tiếp theo đó, TS. Dương Thanh Mai (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp) đã trình bày về quyền lập pháp, lập quy và ủy quyền lập pháp theo Hiến pháp 2013, đồng thời đưa ra những khuyến nghị để có quy định rõ hơn về quyền lập pháp, lập quy và uỷ quyền lập pháp trong luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hợp nhất.  

 

Ông Nguyễn Phước Thọ - Hàm Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cũng đã có tham luận về thẩm quyền lập quy của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ - thực trạng và yêu cầu đổi mới để làm rõ hơn về quyền lập quy. Cùng với quyền lập quy của Chính phủ thì thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương được hiểu như thế nào, hiện đang được luật quy định như thế nào là nội dung chính trong bài tham luận của TS. Trương Hồng Hải, Ban Nội chính Trung ương.

Bên cạnh những vấn đề lý luận và quy định của pháp luật, hội thảo cũng đã được nghe nhiều tham luận chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong vấn đề này. Đó là vấn đề ủy quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tại Canada do ông Lionel Levert trình bày; lập pháp, lập quy và ủy quyền lập pháp của Pháp và ủy quyền lập pháp tại một số nước Tây Âu do TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Trưởng Phòng Công tác thi hành pháp luật - Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp giới thiệu; cộng hòa liên bang Đức và vấn đề lập pháp do TS. Nguyễn Am Hiểu (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) trình bày; thẩm quyền lập pháp và ủy quyền lập pháp tại Nhật Bản do ông Takeshi Matsumoto giới thiệu và các quy định hành chính tại Hoa kỳ do Ths. Cao Xuân Phong, Trưởng Ban nghiên cứu Luật Quốc tế, Luật So sánh và Quyền con người, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp giới thiệu. Ngoài ra, dưới góc nhìn của một luật sư, Ths. Nguyễn Tiến Lập (công ty luật NH Quang và cộng sự) cũng đã trình bày về thẩm quyền lập quy của Bộ, cơ quan ngang Bộ và đưa ra đề xuất, khuyến nghị của mình về vấn đề này trong luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hợp nhất.

 

Hội thảo đã thu được nhiều ý kiến góp ý xác đáng, đưa ra nhiều gợi mở để làm sáng tỏ hơn vấn đề về quyền lập pháp, lập quy và ủy quyền lập pháp. Những ý kiến góp ý trao đổi của các đại biểu, các chuyên gia trong và ngoài nước tham dự hội thảo cũng như kinh nghiệm của các nước về vấn đề này sẽ là tư liệu quý báu trong việc xây dựng dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hợp nhất mà Bộ Tư pháp đang được giao chủ trì soạn thảo.

Ngọc Phượng, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật