Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thứ tư Ban Soạn thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

16/03/2014
Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thứ tư Ban Soạn thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
Sáng ngày 14/3, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp phiên thứ tư Ban soạn thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) chủ trì phiên họp.

Căn cứ vào kết quả phiên họp lần thứ 3 của Ban soạn thảo dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) về những định hướng lớn trong xây dựng phần “Những quy định chung” của Bộ luật dân sự (sửa đổi), Thường trực Tổ biên tập đã tiến hành chỉnh lý dự thảo Luật, lấy ý kiến của các chuyên gia pháp luật dân sự và thành viên Tổ biên tập. Trên cơ sở đó, tại Phiên họp lần này, Thường trực Tổ biên tập báo cáo, xin ý kiến Ban soạn thảo về kết cấu, nội dung cơ bản của Phần “Những quy định chung” của Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Trong đó, đáng chú ý là dự thảo Luật đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về cá nhân để kịp thời cụ thể hóa quy định về tôn trọng, bảo vệ quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật như: Bổ sung quy định người dưới 18 tuổi mà được kết hôn một cách hợp pháp theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình được coi là người thành niên (như là một ngoại lệ) để người này có đủ năng lực hành vi trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về hôn nhân và gia đình nói riêng, về dân sự nói chung; bổ sung một số quy định hoặc quy định cụ thể hơn về xác lập, thực hiện hành vi pháp lý của người yếu thế về năng lực hành vi dân sự… 

 

 

Tại phiên họp lần này, một số vấn đề chưa được thống nhất cần đưa ra xin ý kiến như quy định về việc cử người giám hộ, đại diện theo pháp luật của pháp nhân,
hành vi pháp lý vô hiệu do vi phạm hình thức, bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi hành vi pháp lý bị vô hiệuthực hiện, bảo vệ quyền bằng thời hiệu đã được các thành viên Ban soạn thảo trao đổi và thảo luận. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề nghị cần có sự giải trình đầy đủ hơn về những quy định được sửa đổi hoặc bổ sung trong dự thảo Luật để đảm bảo tính thuyết phục khi đưa ra xin ý kiến của Quốc hội trong thời gian tới.

 

 

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là luật “gốc” trong lĩnh vực luật tư, do đó cần có những quy định mang tính nguyên tắc chung, định hướng cho những luật chuyên ngành khác. Nội dung cơ bản của Bộ luật cần phải bám sát Nghị quyết đã được Chính phủ phê duyệt, đồng thời bắt kịp với những thay đổi của thực tiễn cuộc sống để đảm bảo sức sống lâu dài của Bộ luật.