Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999

15/03/2014
Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999
Nhằm tiếp tục hoàn thiện Bộ luật Hình sự đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, bảo đảm ổn định lâu dài, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, sáng nay (15/3) Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999, bằng hình thức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng chí Nguyên Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị (tại điểm cầu Hà Nội), về phía khách mời có Đại diện Lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức Trung ương và thành phố Hà Nội. Về phía Bộ Tư pháp có đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên BCHTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Hội nghị còn có sự tham dự của Đại diện Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại các điểm cầu.

 

 

Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã tổng kết thực tiễn hơn 12 năm thi hành BLHS, chỉ ra những kết quả đạt được, những bất cập hạn chế trong thi hành BLHS, đồng thời đề xuất, kiến nghị sửa đổi cơ bản, toàn diện BLHS, trong đó nêu ra mục tiêu, quan điểm và những định hướng cơ bản xây dựng dự án BLHS sửa đổi.

Từ khi ra đời, Bộ luật Hình sự năm 1999 (BLHS) là công cụ sắc bén của Nhà nước trong việc quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của công dân, tổ chức và Nhà nước, có thể khẳng định BLHS đã quy định một cách tương đối có hệ thống, toàn diện các nguyên tắc, chế định chung của chính sách hình sự, đã hình sự hóa được nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội và xác định hệ thống hình phạt khá toàn diện và khoa học. Tuy nhiên, trong những năm qua tình hình đất nước đã có những thay đổi mạnh mẽ và to lớn, BLHS đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đặc biệt, năm vừa qua, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp năm 2013, do đó yêu cầu sửa đổi BLHS càng trở nên cấp thiết.

 

 

Nhất trí với báo cáo tổng kết nêu trên, các đại biểu đại diện Lãnh đạo Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân đã có các ý kiến tham luận tổng kết và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung BLHS. Các ý kiến tập trung vào các vấn đề lớn như: một số hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa được đưa vào BLHS; trách nhiệm hình sự của pháp nhân; hình sự hóa hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức và hành vi tham nhũng; phân loại tội phạm; làm rõ vấn đề định lượng liên quan đến khung hình phạt; làm rõ nguồn của BLHS theo đó tội phạm và hình phạt được quy định chủ yếu trong BLHS nhưng cũng phải được quy định trong những bộ luật khác; chính sách hình sự đối với vị thành niên; nghiên cứu áp dụng án treo, hình phạt tiền để tăng tính răn đe và phát huy được tác dụng; đặc biệt nghiên cứu bỏ một số tội tử hình thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước và đáp ứng tính nhân đạo chung của thế giới.

 

 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nghiêm túc và nỗ lực của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, đặc biệt là Bộ Tư pháp trong việc tổng kết đánh giá BLHS. Phó Thủ tướng thống nhất với các mục tiêu, quan điểm và các định hướng lớn mà Bộ Tư pháp, Ban soạn thảo đưa ra, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề cơ bản:

Một là: tập trung nghiên cứu để đưa ra các đề xuất, các giải pháp sửa đổi nhằm xây dựng được một BLHS sửa đổi khắc phục ở mức cao nhất các hạn chế, tồn tại, có tính khả thi cao, tính hiện đại, tính dự báo, tính minh bạch và có chất lượng cao về mặt kỹ thuật lập pháp;

Hai là: BLHS sửa đổi phải được xây dựng, hoàn thiện trên tinh thần của Hiến pháp 2013, đặc biệt là phải bảo vệ có hiệu quả các quyền con người, quyền cơ bản công dân, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội;

Ba là: BLHS sửa đổi phải tiếp tục thể chế hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị;

Bốn là: Bộ luật Hình sự phải tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường vận hành theo đúng các quy luật và đúng định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; xây dựng các quy định bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường;

Năm là: BLHS sửa đổi phải trực tiếp đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng, cướp của, giết người, tai nạn giao thông, môi trường - đang là vấn đề bức xúc xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước;

Sáu là: BLHS sửa đổi phải được xây dựng trên cơ sở đổi mới tư duy về quy định tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, bảo đảm tính ổn định lâu dài, giảm áp lực đối với việc sửa đổi thường xuyên một Bộ luật lớn như BLHS;

Bảy là: BLHS sửa đổi phải nội luật hóa cho được những quy định mang tính bắt buộc của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 

 

Phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cảm ơn và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu đầy đủ nhất các ý kiến của Phó Thủ tướng để đáp ứng yêu cầu của Bộ Chính trị, đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân để BLHS sửa đổi có sự đồng thuận cao, đáp ứng thời đại, bảo vệ và bảo đảm an toàn cho người dân.

Tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo một số địa phương tại các điểm cầu phát biểu tham luận tập trung vào một số vấn đề lớn cần sửa đổi, bổ sung như: nghiên cứu chính sách hình sự cho người chưa thành niên; mở rộng phạm vi chủ thể của các tội phạm tham nhũng không chỉ trong khu vực nhà nước mà cả khu vực tư nhân; nghiên cứu bỏ hình phạt cảnh cáo và cải tạo không giam giữ vì tác dụng giáo dục không cao; quy định mức phạt tiền căn cứ theo quy định về mức lương tối thiểu; quy định một số hành vi chưa được quy định trong BLHS (như thông đồng đấu thầu, trục lợi bảo hiểm, mua bán, cấy ghép nội tạng...); giảm hình phạt tù, mở rộng quy định áp dụng hình phạt tiền; đánh giá về hiệu quả của các hình phạt mà không phải là hình phạt tù và tử hình; hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị...

 

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là những vấn đề mà Bộ Tư pháp, Ban soạn thảo, các Bộ, Ban, ngành và các địa phương tiếp tục nghiên cứu để tìm ra những giải pháp đồng bộ, khả thi đề xuất với Chính phủ, Quốc hội và Bộ Chính trị trong việc sửa đổi, bổ sung BLHS. Bộ trưởng sơ bộ kết luận 3 vấn đề lớn như sau:

Một là: Công tác tổ chức thi hành BLHS. Trong những năm qua, công tác tổ chức thi hành BLHS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật hình sự được chú trọng; đã xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành BLHS như 6 Nghị định, 17 Thông tư và Thông tư liên tịch của các Bộ, Ban, ngành Trung ương, 7 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; công tác điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện khách quan toàn diện. Tuy nhiên vẫn còn những bất cập, hạn chế như: quy định trong cấu thành tội phạm của một số điều luật chưa phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm; một số điều luật không mô tả hành vi khác quan; một số điều luật quy định về tình tiết định tội, định khung hình phạt mang tính “định tính” và “định lượng” không rõ ràng, cụ thể; một số hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra trong thực tiễn và vấn đề hình sự hóa một số hành vi phạm tội theo yêu cầu của Công ước quốc tế chưa được đưa vào BLHS. Bộ trưởng yêu cầu Tổ biên tập tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện Báo cáo tổng kết là cơ sở cho việc lựa chọn các phương án xây dựng các quy định sửa đổi, bổ sung BLHS.

Hai là: Quan điểm và định hướng lớn xây dựng BLHS. Bộ trưởng đề nghị Ban soạn thảo bám sát các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bám sát Nghị quyết 48/NQ-TW, Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị và nghiên cứu sâu hơn tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 để xây dựng Dự án BLHS không những bảo đảm về mặt trừng phạt mà còn bảo đảm về mặt xây dựng, kiến tạo. Bên cạnh việc sửa đổi các bất cập, hạn chế trong các quy định cụ thể của BLHS hiện hành, thì cần tập trung nghiên cứu 6 vấn đề lớn sau: quy định về tội phạm và hình phạt tại một số luật chuyên ngành; trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với một số tội phạm cụ thể, đặc biệt là tội phạm kinh tế; giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không giam giữ; hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình; hoàn thiện hơn nữa chính sách hình sự đối với người chưa thành niên; hình sự hóa các hành vi nguy hiểm cho xã hội và phi hình sự hóa một số tội phạm được quy định trong BLHS hiện nay không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và hội nhập.

Ba là: Những việc cần triển khai sau Hội nghị. Để bảo đảm tiến độ xây dựng Dự án BLHS, Bộ trưởng yêu cầu Tổ biên tập cần tổng hợp ý kiến, hoàn thiện Báo cáo định hướng lớn sửa đổi BLHS trình Chính phủ cho ý kiến; đề nghị các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là cơ quan có thành viên trong Ban soạn thảo tích cực, chủ động nghiên cứu đề xuất, xây dựng các quy định liên quan đến phạm vi quản lý của Bộ, ngành và các quy định của BLHS; đề nghị Ủy ban Tư pháp, các Ủy ban khác của Quốc hội chủ động tham gia ngay từ đầu với Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Dự án BLHS.

Bộ trưởng tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, BLHS sửa đổi sẽ có chất lượng cao, tầm nhìn lâu dài, đáp ứng được yêu cầu khách quan của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.