Họp Tổ biên tập dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm

09/01/2014
Sáng ngày 09/01/2014, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Tổ biên tập dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm để tiếp tục rà soát, hoàn thiện nội dung dự thảo trước khi Lãnh đạo các Bộ, ngành xem xét, ký ban hành trong tháng 01/2014. Ông Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Tổ trưởng Tổ biên tập chủ trì cuộc họp.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến tư vấn thẩm định thì dự thảo Thông tư liên tịch gồm 03 chương với 14 Điều. Theo đó, dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể về các nội dung như: thủ tục bán tài sản bảo đảm không qua đấu giá; thủ tục nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo đảm của bên bảo đảm; thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trong trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và các tài sản khác thuộc đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật, nếu bên bảo đảm không tự nguyện ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu về việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; thủ tục liên thông giữa công chứng, đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản sau khi xử lý tài sản bảo đảm với thủ tục xóa đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm rút ngắn thời gian xử lý tài sản và khắc phục sự thiếu hợp tác của bên bảo đảm…

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, các thành viên Tổ biên tập là đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Ngân hàng thương mại nhất trí với nội dung của dự thảo Thông tư sau khi đã được đơn vị chủ trì soạn thảo chỉnh lý, hoàn thiện. Ngoài ra, một số vấn đề mang tính kỹ thuận cũng đã được các thành viên Tổ biên tập rà soát, góp ý. Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Hồ Quang Huy đề nghị thường trực Tổ biên tập bổ sung quy định để hướng dẫn kỹ hơn đối với trường hợp xử lý tài sản bảo đảm là nhà ở hình thành trong tương lai để người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước có thể thực hiện được ngay khi Thông tư có hiệu lực. Một số từ ngữ được sử dụng trong dự thảo Thông tư cũng sẽ được chỉnh lý để tạo sự thuận lợi, rõ ràng, thống nhất cách hiểu trong quá trình áp dụng.

Thông tư liên tịch nêu trên được Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành sẽ là một trong các giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ./.

Đinh Thanh Hà - Cục Đăng ký GDBĐ