Họp Tổ biên tập dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

07/01/2014
Họp Tổ biên tập dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Ngày 03/01/2014, Tổ biên tập dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã họp để cho ý kiến về dự thảo Đề cương Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và những vấn đề Hiến pháp sửa đổi đặt ra đối với việc xây dựng dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Tổ trưởng Tổ biên tập chủ trì.

Theo Thường trực Tổ biên tập thì qua rà soát Hiến pháp sửa đổi, có một số vấn đề sau đây của Hiến pháp đặt ra đối với việc xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

Thứ nhất, Hiến pháp mới giữ lại một số quy định của Hiến pháp năm 1992 như quy định về hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; thẩm quyền của Quốc hội bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao…

Thứ hai, bãi bỏ một số quy định của Hiến pháp năm 1992 như Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; hình thức văn bản nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân…

Thứ ba, quy định về mở hình thức văn bản quy phạm pháp luật của một số chủ thể như Chính phủ ban hành văn bản pháp luật hoặc không quy định thẩm quyền, hình thức văn bản của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước…

Thứ tư, quy định gián tiếp về hình thức văn bản của một số chủ thể.

Thứ năm, quy định khái quát vấn đề cần được luật hóa như thẩm quyền lập pháp của Quốc hội đặt ra vấn đề ủy quyền lập pháp; quyền hành pháp của Chính phủ đặt ra vấn đề lập quy…

Trên cơ sở những vấn đề mà Hiến pháp đặt ra, cuộc họp đã thảo luận và đề xuất hướng xử lý. Nhiều ý kiến cho rằng, các vấn đề đã được Hiến pháp quy định cụ thể thì được chuyển hóa, cụ thể hóa thành quy định của Luật; các vấn đề trước đây Hiến pháp 1992 có quy định nhưng nay Hiến pháp sửa đổi đã bãi bỏ thì không quy định trong Luật; những vấn đề Hiến pháp 1992 không quy định, nay Hiến pháp sửa đổi cũng không quy định thì không quy định trong Luật; những vấn đề Hiến pháp sửa đổi quy định khái quát thì cần cụ thể hóa trong Luật; một số quy định của Hiến pháp 1992 được giữ nguyên trong Hiến pháp sửa đổi thì cần có sự xem xét để quy định hợp lý trong Luật, bảo đảm kỷ cương ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tại cuộc họp này, trên cơ sở dự thảo Đề cương Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về các vấn đề như thẩm quyền lập pháp, lập quy, ủy quyền lập pháp; về quy trình xây dựng, thông qua, điều chỉnh chính sách; hình thức, thẩm quyền nội dung ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các chủ thể; nâng cao chất lượng văn bản thông qua việc đổi mới hoạt động đánh giá tác động, thẩm định, thẩm tra, lấy ý kiến, phản biện xã hội, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, giám sát, hợp nhất, pháp điển; vai trò, trách nhiệm của Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp cấp tỉnh, các cơ quan của Quốc hội trong việc xây dựng, bảo đảm chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật…

Theo Nghị quyết số 45/2013/QH13 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 thì dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (Dự kiến tháng 11/2014).


Hồng Minh