Họp triển khai việc lập Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015

03/01/2014
Họp triển khai việc lập Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015
Ngày 02/01/2014, Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp triển khai lập Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tham dự cuộc họp có đại diện của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và đại diện Ủy ban pháp luật của Quốc hội. Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì.

Cuộc họp đã thảo luận về nguyên tắc, căn cứ lập Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội; đồng thời thảo luận về các dự án luật, pháp lệnh do các Bộ, cơ quan ngang Bộ đề xuất đưa vào Chương trình năm 2015 và điều chỉnh Chương trình khóa XIII, năm 2014.

Theo tổng hợp của Bộ Tư pháp thì tính đến ngày 31/12/2013, tổng số các dự án được đề xuất đưa vào Chương trình năm 2015 là 41 dự án; được đề nghị điều chỉnh Chương trình khóa XIII là 07 dự án; được đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2014 là 04 dự án. Số lượng dự án như vậy là rất lớn.

Các đại biểu tham dự cuộc họp đã thảo luận về nguyên tắc lập Đề nghị, trong đó chú trọng đến một số nguyên tắc sau đây:

Một là, tiếp tục thể chế hoá kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng được khẳng định trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Hai là, ưu tiên đưa vào Chương trình năm 2015: (1) Các dự án luật, pháp lệnh nhằm triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi (đặc biệt là các dự án luật, pháp lệnh về tổ chức bộ máy nhà nước, về thẩm quyền của các cơ quan nhà nước có liên quan; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, văn hóa, xã hội); (2) Các dự án luật, pháp lệnh khác cần sớm ban hành để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 cần tiếp tục đặt trọng tâm vào việc thực hiện ba khâu đột phá chiến lược đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.

Bốn là, chỉ đưa vào Chương trình những dự án thực sự cấp thiết, đã được chuẩn bị kỹ về nội dung, bảo đảm tiến độ soạn thảo, có tính đến thứ tự ưu tiên các dự án đối với từng năm trong nhiệm kỳ Khóa XIII, tránh việc dồn qua nhiều các dự án luật, pháp lệnh vào một cơ quan soạn thảo hoặc một Ủy ban của Quốc hội.

Xác định rõ năm 2015 cần ưu tiên cho các dự án nhằm triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, một số Bộ, cơ quan ngang Bộ đã đề nghị rút đề xuất đưa vào Chương trình năm 2015 đối với một số dự án như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao; Luật du lịch (sửa đổi)); Bộ Công an (Luật bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; Luật bảo vệ bí mật nhà nước…).

Năm 2015 là năm gần cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và là năm tập trung cao cho công tác xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ. Do vậy, nhiều đại biểu cho rằng để có thể hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ có thể kiến nghị Quốc hội tổ chức thêm một Kỳ họp để thảo luận, thông qua các dự án luật.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì chậm nhất vào ngày 01/3/2014, Chính phủ phải gửi Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 đến Ủy ban thường vụ Quốc hội. Dự kiến tại Phiên họp thường kỳ tháng 01/2014, Chính phủ sẽ cho ý kiến về dự thảo Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015.


Hồng Minh