Phân định thẩm quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền cấp tỉnh: Thực tiễn và một số vấn đề đặt ra

18/10/2013
Phân định thẩm quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền cấp tỉnh: Thực tiễn và một số vấn đề đặt ra
Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2013 trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học “Phân định thẩm quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền cấp tỉnh: Thực tiễn và một số vấn đề đặt ra”. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường GS.TSKH Đặng Hùng Võ, đại diện các Bộ, ngành, Sở Tư pháp, các trường đại học.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, phân định thẩm quyền giữa chính quyền trung ương với chính quyền cấp tỉnh ở nước ta luôn là chủ đ được quan tâm nghiên cứu và giải quyết trong những lần sửa đổi các quy định trong Hiến pháp hoặc các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các đạo luật quản lý ngành, lĩnh vực cụ thể. Sự phân định thẩm quyền này diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực quản lý như ngân sách, nhân sự, đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp nhà nước, kế hoạch và đầu tư, ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Hiện nay chúng ta đang xây dựng và hoàn thiện đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước nhất là tới đây khi có bản Hiến pháp sửa đổi. Vấn đề phân định thẩm quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền tỉnh tiếp tục được xem xét, đánh giá lại để tìm phương án phù hợp hơn. Hàng loạt câu hỏi đang được thực tiễn đặt ra và rất cần những câu trả lời thỏa đáng như: Liệu sự phân cấp quản lý nhà nước như thời gian qua đã thực sự hợp lý chưa? Cách phân cấp của chúng ta nên tiếp tục theo hướng “từ trên xuống” hay phải tính kỹ hơn khả năng, thực tế, đặc thù của từng tỉnh, thành phố? Cơ chế nào để chính quyền trung ương giữ nghiêm được kỷ luật, kỷ cương khi đã phân cấp quản lý nhằm đảm bảo tính thông suốt, thống nhất của nền hành chính quốc gia được tổ chức theo các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa? Cơ chế nào để việc phân cấp quản lý thực sự đạt được yêu cầu vừa đảm bảo tính chủ động sáng tạo của chính quyền địa phương trong việc giải quyết các vấn đề của thực tiễn nhưng phù hợp với lợi ích chung, đại cục của nhà nước đảm bảo nguyên tắc pháp chế?...

Thứ trưởng mong rằng, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ phân tích, đánh giá thực tiễn việc phân định thẩm quyền giữa chính quyền trung ương với chính quyền cấp tỉnh, làm rõ cơ sở khoa học, nguyên tắc của việc phân định thẩm quyền, đánh giá những thành tựu, hạn chế qua đó xác định nguyên nhân và đề xuất phương án hoàn thiện cụ thể.

Hội thảo tập trung trao đổi và thảo luận về: Các nguyên tắc, yêu cầu đổi mới việc phân công quyền lực giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương ở Việt Nam trong quá trình sửa đổi Hiến pháp; Thực tiễn phân công quyền lực giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương tại Việt Nam trong thời gian qua và các kiến nghị hoàn thiện; Thực tiễn phân công quyền lực giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong lĩnh vực tài chính, ngân sách tại Việt Nam và các kiến nghị hoàn thiện; Phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai; Phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế - thực trạng và một số giải pháp. Các đại biểu cũng nghe tham luận về Phân cấp quản lý nhà nước qua thực tiễn ở thành phố Hồ Chí Minh; Thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương: nhìn từ thực tiễn của tỉnh Vĩnh Phúc; Phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch và đầu tư: Thực tiễn thực hiện, những vấn đề đặt ra và định hướng giải quyết…

Qua đó nhiều đại biểu đã có những góp ý thẳng thắn, trực tiếp chỉ ra những tồn tại trong việc phân định thẩm quyền giữa chính quyền trung ương với chính quyền cấp tỉnh trên một số lĩnh vực cơ bản như lập quy, đầu tư, đất đai, ngân sách… đồng thời cũng đề xuất nhiều ý kiến khách quan đối với việc phân định.