Ngành Tư pháp tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp

15/10/2013
Cùng cả nước, ngành Tư pháp đang trải qua những ngày đau thương tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cõi vĩnh hằng. Hòa chung cùng dòng người đến viếng Đại tướng tại nhà riêng số 30 Hoàng Diệu có rất nhiều cán bộ của Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường dẫn đầu Đoàn đại biểu của Bộ về Quảng Bình dâng hương tiễn đưa Đại tướng, chia buồn cùng cán bộ, nhân dân quê hương của Đại tướng.

          Sinh thời, là người cầm quân nhưng Đại tướng có nhiều gắn bó tâm huyết với pháp luật, tư pháp. Vốn là cử nhân luật từ năm 1937, Đại tướng không chỉ được biết đến là một vị tướng tài ba, một nhà sử học, nhà chính trị yêu nước, thương dân, mà còn là một luật gia yêu chuộng hòa bình và công lý. Tinh thần phản biện, đồng thời luôn đứng về phía nhân dân, bảo vệ cho lẽ phải, cho sự công bằng là một tố chất và yêu cầu quan trọng bậc nhất của một luật gia.

          Đối với những người cán bộ ngành pháp luật, tư pháp, Đại tướng luôn quan tâm, tôn trọng, có điều kiện tiếp xúc là ân cần chỉ bảo. Nguyên Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của Việt Nam - luật sư Vũ Trọng Khánh có kể lại trong hồi ký của mình là khi chuẩn bị thành lập Chính phủ sau Tổng tuyển cử, Đại tướng đã đến nhà riêng của Bộ trưởng định trao đổi công việc. Đến khi Nguyên Bộ trưởng mất (năm 1995), Đại tướng gửi Thư chia buồn. Trong Thư, Đại tướng coi Nguyên Bộ trưởng là người bạn: “Là một người bạn của anh Khánh từ trước ngày cách mạng thành công, tôi xin gửi đến toàn thể gia quyến và bạn bè thân thuộc của anh lời chia buồn thống thiết nhất”. Năm 1995 khi chuẩn bị bài viết “Bác Hồ với bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên” kỷ niệm 50 năm thành lập Quốc hội, Đại tướng thận trọng cho Thư ký hỏi ý kiến Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc. Khi được báo cáo là theo ý Bộ trưởng, Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam là bản Hiến pháp đã tiếp cận được với nền chính trị của thế giới hiện đại, là niềm tự hào của dân tộc ta, là thành quả tuyệt vời của tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại tướng mới yên tâm về bài viết. Gần đây, chúng ta càng xúc động khi được Bộ trưởng Hà Hùng Cường chia sẻ những kỷ niệm, cảm xúc của mình trong những lần được gặp Đại tướng, được nghe Đại tướng căn dặn:Ngành Tư pháp có vị trí quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, Bộ trưởng phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Dĩ công vi thượng”. “Dĩ công vi thượng” là lời Bác Hồ căn dặn Đại tướng, và giờ đây lại được Đại tướng dặn lại Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Ngành Tư pháp!

 

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi còn là sinh viên Luật

          Anh Trần Thất, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp của Bộ, là cựu chiến binh đánh Mỹ trong những năm tháng ác liệt nhất, đã có 3 bài thơ tiễn đưa Đại tướng. Bài ghi lại kỷ niệm của những người lính giữa chiến trường khi nghe tin Đại tướng vẫn bình an trong khói lửa của trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972 có những câu vỡ òa:

          Chúng tôi khóc vì sung sướng
          Chúng tôi khóc vì được nghe Đại tướng
          Chúng tôi thấy mình như đang công kênh Đại tướng
          Đại tướng của chúng tôi!
          Đại tướng của chúng tôi!

          Ôi! những giây phút tuyệt vời!

          Giữa chiến trường chúng tôi yêu Đại tướng!

          Đại tướng còn, có nghĩa là CHIẾN THẮNG!

          Viếng Đại tướng tại trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đã nghẹn ngào không cầm được nước mắt khi ghi Sổ tang. Thứ trưởng Lê Hồng Sơn và nhiều cán bộ trong Đoàn của Bộ Tư pháp cũng đã khóc, cũng như nhiều cán bộ của Ngành Tư pháp đã khóc khi tiễn đưa Đại tướng. Khóc để chia sẻ nỗi đau thương, mất mát to lớn của quê hương, đất nước. Khóc để vĩnh biệt một Danh tướng hết lòng vì nước, vì dân mà Ngành Tư pháp nguyện noi theo như lời của Bộ trưởng đã ghi trong Sổ tang kính viếng Đại tướng: 

         "- Gương mẫu

          - Đoàn kết

          - Tư pháp là “ở đời và làm người”

          - “Dĩ công vi thượng”

            Bộ, Ngành Tư pháp luôn khắc sâu lời Bác dặn, sẽ tiếp tục đóng góp cho cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập mà cả cuộc đời vinh quang của Bác đã hy sinh”.

 Nguyên Đức