Tọa đàm góp ý quy định về tập sự hành nghề luật sư và bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn nghiệp vụ của luật sư.

10/09/2013
Tọa đàm góp ý quy định về tập sự hành nghề luật sư và bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn nghiệp vụ của luật sư.
Sáng 10/9, Bộ Tư pháp đã tổ chức buổi Tọa đàm đóng góp ý kiến cho Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 21/2010/TT-BTP ban hành Quy chế tập sự hành nghề luật sư (Thông tư số 21/2010/TT-BTP) và Đề cương thông tư hướng dẫn bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn nghiệp vụ của luật sư. Tham dự Tọa đàm có đại diện một số cơ quan Trung ương, Sở Tư pháp, đoàn luật sư ở một số địa phương... Ông Nguyễn Văn Bốn, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp chủ trì Tọa đàm.

Để đảm bảo các quy định về tập sự hành nghề luật sư phù hợp với  Luật Luật sư năm 2012, đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn triển khai thi hành Thông tư số 21/2010/TT-BTP, Bộ Tư pháp đã tiến hành xây dựng Thông tư mới thay thế Thông tư số 21/2010/TT-BTP. Dự thảo Thông tư được đưa ra lấy ý kiến tại Tọa đàm lần này gồm 5 chương với 41 điều, về việc tập sự hành nghề luật sư, kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, giám sát, xử lý kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc tập sự hành nghề luật sư và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã dành nhiều thời gian trao đổi về các nội dung của Dự thảo, trong đó tập trung vào các quy định về quyền, nghĩa vụ của người tập sự; trách nhiệm của luật sư hướng dẫn, tổ chức hành nghề luật sư; trách nhiệm của các đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư và Sở Tư pháp với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về luật sư... Các ý kiến đều cụ thể, rõ ràng và đầy tâm huyết, thể hiện mong muốn của các đại biểu về việc nâng cao chất lượng tập sự hành nghề luật sư và chất lượng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, qua đó nâng cao chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp của đội ngũ luật sư, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, công cuộc phát triên đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhận định một trong những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém trong hoạt động của luật sư thời gian qua là do một số luật sư chưa có ý thức tự bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và pháp luật cũng chưa có quy định về việc thực hiện nghĩa vụ bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc đối với luật sư, Bộ Tư pháp cho rằng cần phải ban hành Thông tư hướng dẫn bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn nghiệp vụ của luật sư. Đề cương của Thông tư này đã được trình bày tại Tọa đàm và thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Quy định cụ thể về thời gian, hình thức, nội dung, cách thức tổ chức, cấp chứng chỉ bồi dưỡng... vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Tuy nhiên, các ý kiến đều thống nhất việc quy định nghĩa vụ này của luật sư sẽ góp phần nâng cao chất lượng hành nghề cũng như chất lượng dịch vụ pháp lý mà luật sư cung cấp cho khách hàng.

Tính đến tháng 6 năm 2013, cả nước có khoảng 8500 người được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sự, trong đó có gần 8000 người đã được cấp thẻ luật sư, khoảng 3500 người tập sự hành nghề luật sư hoạt động trong 3165 tổ chức hành nghề luật sư. Kể từ khi Luật Luật sư 2006 được ban hành cho đến nay, đội ngũ luật sư Việt Nam đã tăng thêm hơn 4000 người (tăng 250,78%); số luật sư có trình độ cử nhân luật trở lên chiếm khoảng 99%; số luật sư đã qua đào tạo nghề luật sư chiếm hơn 75% tổng số luật sư trong cả nước.