Hội thảo cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm nghiên cứu, xây dựng dự án luật đăng ký tài sản

09/09/2013
Hội thảo cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm nghiên cứu, xây dựng dự án luật đăng ký tài sản
Sáng nay - 9/9, Bộ Tư pháp phối hợp với Quỹ Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật (IRZ) tổ chức Hội thảo cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm nghiên cứu, xây dựng dự án luật đăng ký tài sản (ĐKTS) tại Việt Nam do TS.Vũ Đức Long (Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm) và bà Angela Schmeink (Trưởng ban, Trưởng Văn phòng IRZ tại Berlin) đồng chủ trì.

Hội thảo có sự tham dự của GS.Leif Bottcher (Công chứng viên, tư vấn pháp luật của Bộ Tư pháp liên bang Đức, Vụ Pháp luật về tài sản và Luật Đăng ký đất đai) nhiều chuyên gia Đức và Việt Nam) và các chuyên gia Việt Nam đến từ Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tòa án nhân dân tối cao, trường Đại học Luật Hà Nội, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Hội Công chứng TP.Hà Nội, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, Trung tâm trọng tài quốc tế (VIAC)…

Khai mạc Hội thảo, ông Vũ Đức Long và bà Angela Schmeink đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải nghiên cứu xây dựng Luật ĐKTS tại Việt Nam nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về ĐKTS và hy vọng những phân tích, đánh giá hệ thống pháp luật, những vấn đề mang tính lý luận, thực tiễn trong hoạt động ĐKTS, đề xuất những nôi dung cơ bản cần thể hiện trong dự án Luật ĐKTS của các chuyên gia tham dự Hội thảo sẽ “là tư liệu quan trọng để các cơ quan chức năng vận dụng trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện hệ thống PL nói chung và hệ thống pháp luật liên quan đến ĐKTS ở Việt Nam”.

Theo ông Hồ Quang Huy (Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm), Luật ĐKTS sẽ tiếp tục thể chế hóa mạnh mẽ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách dịch vụ công vào lĩnh vực ĐKTS, thống nhất điều chỉnh về thủ tục đăng ký đối với bất động sản (BĐS), động sản có giá trị lớn trên cơ sở kế thừa và pháp điển hóa các quy định hiện hành về đăng ký BĐS, động sản còn phù hợp, đồng thời bổ sung các quy định mới trên cơ sở tổng kết thực tiễn ĐKTS ở Việt nam và tham khảo, vận dụng kinh nghiệm của các nước có hệ thống về pháp luật về ĐKTS phát triển phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nước ta.

Dự luật sẽ được đảm bảo tính hợp hiến và tính khả thi, thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường BĐS, thị trường vốn phát triển, từ đó huy động tối đa các nguồn lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập cơ chế, khuôn khổ pháp lý an toàn, thông thoáng cho việc xác lập và bảo vệ quyền, lợi ích của chủ sở hữu đối với tài sản và những chủ thể tham gia giao dịch liên quan đến tài sản đó.

Với các quan điểm đó, dự thảo Luật ĐKTS sẽ quy định về nguyên tắc đăng ký đối với tài sản, thủ tục ĐKTS là BĐS và động sản, thủ tục cung cấp thông tin về tài sản là BĐS, động sản và cơ chế xây dựng dữ liệu thông tin về tài sản. Dự thảo Luật dự kiến thu hẹp đầu mối cơ quan ĐKTS, hạn chế những giấy tờ không cần thiết, kết hợp giải quyết liên thông các việc có liên quan trong quá trình ĐKTS…

H.Giang