Hướng tới sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005: Năm phương án về lãi suất, vẫn chưa đủ?

22/01/2010
Ngày 19/01/2010, với sự phối hợp của Dự án JICA, Bộ Tư pháp đã tổ chức toạ đàm chuyên đề về lãi suất trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 nhằm tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia để hình thành một hoặc một số phương án thích hợp điều chỉnh vấn đề này.

Ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp khẳng định, quy định về lãi suất (LS) trong BLDS năm 2005, đặc biệt quy định về LS trần cho vay dựa trên công cụ “LS cơ bản” tại Điều 476, là vấn đề gây tranh luận từ nhiều năm nay. Theo quy định hiện hành, LS vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của LS cơ bản (LSCB) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đối với loại cho vay tương ứng. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng rất cần thiết phải sửa đổi quy định trên bởi nó đã gây nhiều khó khăn, vướng mắc đối với việc huy động và cho vay vốn của các tổ chức tín dụng, làm tăng nguy cơ rủi ro về LS và tín dụng, ảnh hưởng không thuận lợi trong việc ổn định thị trường tiền tệ.

Đại diện Tổ biên tập BLDS sửa đổi, bà Nguyễn Thị Thu Vân (Bộ Tư pháp) cho biết, liên quan đến Điều 476 BLDS năm 2005, Bộ Tư pháp đang dự kiến 5 phương án. Cụ thể, phương án 1 là giữ nguyên quy định của Điều 476, không cần can thiệp bằng việc ban hành quy định pháp luật mà chỉ cần NHNN thực hiện quy định về việc công bố LSCB. Phương án 2 cũng giữ nguyên quy định hiện hành đồng thời Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Điều 476 theo hướng làm rõ cơ sở để tính “ngưỡng” của tội cho vay nặng lãi, định lượng rõ “gấp 10 lần mức LS cao nhất mà pháp luật quy định” (Điều 163 Bộ luật Hình sự). Phương án 3, sửa Điều 476 theo hướng không dùng ngưỡng “150% LSCB” mà dùng ngưỡng “10 lần LS tái chiết khấu” để chống lại việc cho vay nặng lãi. Phương án 4 sửa Điều 476 như sau: LS vay do các bên thoả thuận, nếu không thì áp dụng LS bằng mức LS trung bình của các Ngân hàng thương mại tại thời điểm trả nợ. Phương án 5, LS cũng do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 300% LS trái phiếu kho bạc thấp nhất của lần phát hành cuối cùng trước thời điểm cho vay.

Bình luận về các phương án, theo Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam Dương Thu Hương, 3 phương án đầu không thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn hiện tại, tức là vẫn không “cởi trói” cho các tổ chức tín dụng (TCTD) và mục tiêu chống cho vay nặng lãi không thành hiện thực. Phương án 4 lại không tách được hoạt động của TCTD vốn nên để cho luật về TCTD điều chỉnh. Còn phương án 5 chưa tốt ở chỗ lấy LS trái phiếu kho bạc trong khi đây là LS của Chính phủ vay dân, vay doanh nghiệp (DN) chứ không đại diện cho LS thị trường. Từ đó, bà Hương đề xuất sửa theo hướng LS cho vay của các cá nhân và DN không phải là TCTD do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% LS cho vay bình quân của các Ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn tại thời điểm cho vay, còn LS cho vay, huy động của các TCTD thực hiện theo quy định của Luật TCTD.

Đại diện NHNN - ông Đoàn Thái Sơn đánh giá, từ góc độ quản lý nhà nước, Điều 476 đã thất bại vì điều luật được ban hành nhưng tất cả đều thực hiện sai. Thi hành Điều 476, các TCTD kinh doanh thua lỗ, trong khi DN không tiếp cận được vốn. Ông Sơn cũng cho rằng, 5 phương án dự kiến của Bộ Tư pháp vẫn bộc lộ một số điểm bất cập và mạnh dạn đưa thêm phương án thứ 6 là mức LS cho vay sẽ được quy định thẳng trong BLDS nhưng cụ thể là bao nhiêu phải nghiên cứu, có thể là không quá 20%. Tuy nhiên, rất nhiều đại biểu không đồng tình với phương án cố định mức LS ngay trong luật vì các nước ấn định được mức này bởi nền kinh tế của họ ổn định, tỷ lệ lạm phát thấp.

Thục Quyên