Họp Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương

20/01/2010
Họp Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương
Sáng ngày 19/01/2010, tại Hà Nội, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương đã họp để đánh giá kết quả triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC trong năm 2009 và bàn phương hướng hoạt động năm 2010.

Đến dự cuộc họp có đồng chí Từ Văn Nhũ, Phó Chánh án TANDTC, Ủy viên Hội đồng phối hợp, đồng chí Tạ Thị Minh Lý, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Ủy viên Hội đồng phối hợp; đại diện các cơ quan trong Hội đồng phối hợp: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Viện Khoa học kiểm sát), Bộ Công an (Vụ Pháp chế, Cục Điều tra hình sự), Bộ Quốc phòng (Vụ Pháp chế, Cục Điều tra hình sự, Bộ Tư lệnh Biên phòng); Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế); đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Vụ Bổ trợ tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý); đại diện Sở Tư pháp thành phố Hà Nội. Đồng chí Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp - chủ trì cuộc họp.

Sau khi nghe Bộ Tư pháp trình bày dự thảo Báo cáo về kết quả hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương năm 2009 và Kế hoạch hoạt động của liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2010, các đại biểu tham gia cuộc họp đã có một số ý kiến góp ý. Về cơ bản, các đại biểu nhất trí với dự thảo Báo cáo và Kế hoạch. Qua 01 năm thực hiện Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp, nhiều hoạt động đã được triển khai và đạt được những kết quả cụ thể, góp phần tích cực trong việc thiết lập, củng cố mối quan hệ phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, nhất là tăng cường các vụ việc tham gia tố tụng, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.

Trong năm 2009, liên ngành trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã hoàn thành việc thành lập Hội đồng liên ngành, xây dựng Quy chế hoạt động, Kế hoạch hoạt động của Hội đồng liên ngành ở Trung ương và các Hội đồng liên ngành ở địa phương (63/63 địa phương đều đã thành lập xong Hội đồng phối hợp liên ngành, tổ giúp việc Hội đồng, 59 Hội đồng cấp tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng); tăng cường công tác tập huấn, thông tin, truyền thông pháp luật về TGPL để nâng cao nhận thức của người tiến hành tố tụng, người thực hiện TGPL (50 địa phương tổ chức tập huấn; 6.262 Bảng thông tin, Hộp tin về TGPL được đặt tại trụ sở tiếp công dân của các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan); thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn kiểm tra và tổng hợp kết quả công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng để trao đổi trực tiếp hoặc bằng văn bản theo định kỳ; tổ chức 4 Đoàn kiểm tra liên ngành về việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT, thông qua các đợt kiểm tra, Hội đồng đã đánh giá được thực trạng phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng tại một số địa phương, nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc nảy sinh để chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thống nhất trên toàn quốc. Trong năm 2009, đã có 8.543 vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng, trong đó có 1.141 vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song việc triển khai, thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2009 của liên ngành còn có mặt hạn chế. Một số nhiệm vụ phối hợp đề ra trong Thông tư chưa thực hiện được, đồng thời, chất lượng, hiệu quả của hoạt động đã phối hợp chưa cao như công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Hội đồng Trung ương đối với các Hội đồng địa phương chưa sát sao, kịp thời; công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở một số địa phương còn mang tính thời vụ, thiếu thường xuyên, liên tục; chất lượng vụ việc tham gia tố tụng chưa đồng đều, ở một số địa phương, có tình trạng một số Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ, không gặp người được trợ giúp pháp lý trước khi xét xử. Mặc dù đã triển khai khá đồng bộ nhưng Bảng thông tin trợ giúp pháp lý chưa phát huy được nhiều tác dụng do ở một số địa phương in nội dung của các Bảng thông tin sơ sài, chưa khái quát hết được các nội dung cơ bản về người được trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý... một số nơi in chữ trên Bảng thông tin quá nhỏ, Bảng thông tin đặt ở những vị trí không thuận lợi cho việc tiếp cận của người dân. Bên cạnh đó là do một số cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT, một số bản án, quyết định tố tụng ghi chưa đúng tư cách pháp lý hoặc không ghi tên của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên; chưa ghi quan điểm, luận cứ bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên; một số trường hợp việc cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng, bản sao bản án, quyết định tố tụng còn chậm, thậm chí không cấp bản án, quyết định tố tụng; việc giải thích về quyền được hưởng TGPL cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý cũng như việc giới thiệu hướng dẫn họ đến với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý còn hạn chế; một số cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện chưa tạo điều kiện để đặt Bảng thông tin và Hộp tin trợ giúp pháp lý; công tác kiểm tra hoạt động phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của Hội đồng Trung ương còn gặp khó khăn về nhân sự tham gia Đoàn kiểm tra, việc tổ chức các đợt kiểm tra thường không đúng theo kế hoạch đã phê duyệt, có tình trạng hoãn kiểm tra kéo dài làm ảnh hưởng đến sự chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức kiểm tra của cơ quan thường trực Hội đồng cũng như việc chuẩn bị tiếp đón Đoàn kiểm tra của các cơ quan được kiểm tra tại địa phương; công tác thống kê, báo cáo còn chưa đúng thời hạn; việc triển khai công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng còn gặp nhiều khó khăn về tài chính, phần lớn ở các địa phương, Sở Tài chính chưa cấp kinh phí thực hiện.

Về phương hướng trong năm 2010, các đại biểu đề nghị Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương cần phải hướng dẫn địa phương tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức của Hội đồng cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện địa hình, kinh tế, xã hội của địa phương. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định của pháp luật tố tụng cho phù hợp với pháp luật về trợ giúp pháp lý (Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính), tạo sự đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; hướng dẫn về việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 57 của Bộ luật Tố tụng Hình sự; ban hành các quy định mang tính quy phạm của ngành dọc để người tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm túc việc hướng dẫn, giải thích giới thiệu người được trợ giúp pháp lý đến các tổ chức trợ giúp pháp lý để được trợ giúp pháp lý; ban hành các biểu mẫu thống kê, báo cáo các số liệu liên quan đến trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Các địa phương cần tăng cường công tác tập huấn thường xuyên cho cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng, cán bộ Tư pháp tại 3 cấp để nâng cao năng lực cán bộ tham gia trợ giúp cho người dân về pháp luật…

Vũ Hồng Anh