Đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp

21/06/2013
Trong công tác cán bộ, luân chuyển là hoạt động nhằm mục đích rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tạo điều kiện để cán bộ phát triển toàn diện về năng lực lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài của toàn bộ hệ thống chính trị. Có thể nói, luân chuyển cán bộ nhằm đạt một số mục tiêu cơ bản sau:

Thứ nhất, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai, luân chuyển cán bộ nhằm rèn luyện, thử thách và khảo nghiệm cán bộ để làm căn cứ cho việc bố trí, sắp xếp và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy hoạch.

Thứ ba, luân chuyển cán bộ nhằm tạo điều kiện cho cán bộ khi hết hai nhiệm kỳ làm lãnh đạo, quản lý được chuyển sang một công tác mới phù hợp với năng lực và sở trường của cán bộ.

Thứ tư, luân chuyển cán bộ nhằm phá vỡ thế khép kín, cục bộ địa phương trong công tác cán bộ hiện nay.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác luân chuyển, căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý, ngày 28 tháng 11 năm 2012, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị quyết số 152-NQ/TW về việc đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý của Bộ Tư pháp đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Tại Nghị quyết này, Ban cán sự Đảng đã nhận định quá trình triển khai thực hiện công tác luân chuyển cán bộ tại Bộ Tư pháp còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại và vẫn là khâu yếu trong công tác cán bộ. Từ đó, Nghị quyết đã xác định các đối tượng luân chuyển sau:

- Là công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch, có độ tuổi dưới 45; đối với nam giới, tuổi có thể cao hơn nhưng tối đa không quá 50.

- Công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch cấp Trưởng đã giữ chức vụ cấp Phó 01 nhiệm kỳ thì xem xét luân chuyển, bồi dưỡng kinh nghiệm quản lý ở ít nhất 02 lĩnh vực công tác của đơn vị hoặc kinh nghiệm thực tiễn ở các cơ quan, đơn vị khác; công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch đã giữ chức vụ 02 nhiệm kỳ thì xem xét luân chuyển.

Công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý được bổ nhiệm vào cấp Trưởng nói chung phải kinh qua ít nhất 02 lĩnh vực công tác của đơn vị; công chức, viên chức được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp Vụ trưởng trở lên phải kinh qua cả công tác thực tiễn ở các Bộ, ngành, địa phương hoặc ở đơn vị khác thuộc Bộ.

- Không thực hiện việc luân chuyển công chức, viên chức đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức trong quy hoạch lãnh đạo, quản lý đã bị xử lý kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển.

Để tạo cơ chế khuyến khích cán bộ luân chuyển, Nghị quyết của Ban cán sự Đảng cũng xác định việc bố trí cán bộ sau khi luân chuyển, theo đó, cán bộ sau khi luân chuyển có thể được xem xét, bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn hoặc chức vụ tương đương với chức vụ trước khi luân chuyển; ưu tiên bố trí chức vụ cao hơn cho người đã được luân chuyển so với người chưa được luân chuyển và ưu tiên xem xét bố trí, sắp xếp tại đơn vị cán bộ công tác trước khi luân chuyển.

Triển khai Nghị quyết nêu trên, ngày 17 tháng 6 năm 2013, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 4738/BTP-TCCB đề nghị thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục tổ chức quán triệt các chủ trương, văn bản về công tác luân chuyển, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động để đưa công tác luân chuyển trở thành việc làm thường xuyên hàng năm của Bộ và từng đơn vị. Theo đó, chậm nhất là ngày 25/6/2013, thủ trưởng các đơn vị cần khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức năm 2013 và giai đoạn 2013-2015 của đơn vị và gửi về Vụ Tổ chức cán bộ để tổng hợp, xây dựng Kế hoạch, phương án luân chuyển của Bộ trình Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt.

Phòng Công tác cán bộ Vụ TCCB