Với tư cách thành viên, Việt Nam sẽ được tham gia quyết định chính sách, xây dựng các Công ước hợp tác về các vấn đề tư pháp quốc tế và phương hướng tương lai của Hội nghị LaHay; có quyền bỏ phiếu hàng năm trong Hội đồng Thường vụ và chính sách của Hội nghị LaHay; được mời tham dự mọi hoạt động, phiên họp ngoại giao, ủy ban đặc biệt (có thể gửi chuyên gia) và nhận thông tin cập nhật về tất cả các công việc đang diễn ra tại Hội nghị LaHay.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ được hưởng các dịch vụ hậu gia nhập gồm hỗ trợ và xây dựng mạng lưới quốc tế các cơ quan Trung ương, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia thành viên, được hưởng các dịch vụ đào tạo và hỗ trợ được đặt dưới sự bảo trợ của Trung tâm quốc tế về nghiên cứu tư pháp và hỗ trợ kỹ thuật (do Hội nghị LaHay thành lập).
Việt Nam cũng sẽ được tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng và hoàn thiện các nền tảng pháp lý quốc tế đa phương trong lĩnh vực tư pháp quốc tế đang ngày càng phát triển. Việt Nam sẽ được tiếp xúc và khai thác một cách trực tiếp những thành tựu của pháp luật quốc tế, giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tư pháp quốc tế.
Gia nhập Hội nghị LaHay, đội ngũ cán bộ pháp luật Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia vào hoạt động xây dựng các quy định pháp lý quốc tế ở tầm đa phương, thiết lập các quan hệ và giao lưu với đội ngũ chuyên gia pháp lý có trình độ từ nhiều hệ thống pháp luật khác nhau. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, xây dựng lực lượng cán bộ pháp luật có trình độ cao về tư pháp quốc tế cho Việt Nam.
Ông Trần Tiến Dũng cho biết, thực hiện nhiệm vụ là cơ quan quốc gia trong quan hệ với các thành viên và Ban thường trực của Hội nghị LaHay về tư pháp quốc tế theo chỉ định của Chính phủ, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện quy chế thành viên Hội nghị LaHay. Kế hoạch này sẽ xác định rõ các quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, nội dung hoạt động và giải pháp cụ thể của Việt Nam nhằm thực hiện các quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị LaHay. Dự kiến Kế hoạch sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II.
Hội nghị LaHay về tư pháp quốc tế có sứ mệnh là diễn đàn để các quốc gia thành viên xây dựng và thực hiện những quy tắc chung của tư pháp quốc tế; thúc đẩy hợp tác tư pháp và hành chính trong lĩnh vực bảo vệ gia đình và trẻ em, thủ tục tố tụng dân sự và pháp luật thương mại; cung cấp dịch vụ pháp lý đạt tiêu chuẩn cao, trợ giúp kỹ thuật và cung cấp thông tin cho các quốc gia thành viên và các quốc gia ký kết các Công ước LaHay, cán bộ chính phủ, ngành Tư pháp và những người hành nghề luật và công chúng.
Hội nghị LaHay là tổ chức quốc tế có vai trò to lớn trong việc hài hòa hóa pháp luật các nước, phát triển thành một hệ thống các điều ước quốc tế về tư pháp quốc tế. Hội nghị LaHay, có 72 thành viên là quốc gia và 1 thành viên là tổ chức (EU), được so sánh như “WTO” trong lĩnh vực tư pháp quốc tế bởi tính phổ cập của Hội nghị và sự bao phủ của 38 Công ước LaHay điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau của tư pháp quốc tế, từ hôn nhân gia đình, hợp tác pháp luật và tư pháp đến thương mại và tài chính quốc tế.
H.Giang