Theo báo cáo của Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan thì việc soạn thảo văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô có thể khó bảo đảm về mặt tiến độ ban hành trước ngày 1/7 do một số nội dung cần phải có thời gian để tổng kết thực tiễn thi hành thì mới có đủ cơ sở để đề xuất đưa ra quy định phù hợp. Một vấn đề pháp lý được đặt ra đối với việc soạn thảo văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô là có thể có những quy định khác hoặc vượt quy định của TƯ hoặc hiện chưa có quy định liên quan làm cơ sở hướng dẫn thi hành.
Hà Nội (HĐND, UBND TP) có trách nhiệm soạn thảo trình Thủ tướng ban hành và ban hành theo thẩm quyền 17 nội dung, trong đó có 10 dự thảo Nghị quyết của HĐND, 5 dự thảo Quyết định của UBND và 2 văn bản phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo và ban hành. Dự kiến, tại kỳ họp HĐND sắp tới (đầu tháng 7), HĐND TP sẽ thông qua các cơ chế, chính sách theo quy định của Luật Thủ đô thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND TP.
Song “Tình trạng các Bộ thiếu chủ động khiến TP không biết phải làm gì” - Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh bày tỏ. Bởi đến nay, Bộ Xây dựng vẫn chưa có “động thái chủ trì soạn thảo Quyết định trình Thủ tướng về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị (khoản 1 Điều 9 và khoản 4 Điều 15)” vì Bộ cho biết, chưa có có quy hoạch mạng lưới cơ sở cho việc xây dựng Quyết định di dời.
Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND TP phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục, sau đó chủ động phối hợp với Bộ đề xuất việc di dời và chính sách cho việc di dời. Đồng thời, các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo cũng vẫn đang phải trao đổi với Sở Tài nguyên và môi trường TP để tổng kết và đề xuất nội dung cần quy định để soạn thảo “Thông tư quy định quy chuẩn môi trường đối với nước thải, khí thải và tiếng ồn trên địa bàn Thủ đô (khoản 3 Điều 14)”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, Luật Thủ đô rất quan trọng, việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn Luật này được Quốc hội rất quan tâm nên “chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô sẽ “khó ăn nói với cử tri cả nước”. Do đó, trừ nội dung về xử phạt vi phạm hành chính có thể “chậm lại 1 thời gian” để chờ các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, các nội dung khác thì không thể chậm, khiến Luật Thủ đô rơi vào “vòng nợ” văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn.
Đồng thời, quá trình xây dựng các văn bản, cần lưu ý đến cải cách thủ tục hành chính, không để tình trạng “một chính sách ban hành kèm theo những thủ tục rườm rà khiến mất ý nghĩa của chính sách”. “Những vấn đề Luật cho phép “khác với quy định hiện hành” phải quy định như Luật, nhiều vấn đề có thể vận dụng “tinh thần của luật, chứ không máy móc vào câu chữ của Luật…” - Bộ trưởng lưu ý.
Bộ Tư pháp cũng sẽ có văn bản “nhắc nhở” các Bộ liên quan như Xây dựng, Tài nguyên và môi trường, Giáo dục – đào tạo… về tiến độ và trách nhiệm xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô theo thẩm quyền. Bộ trưởng cũng đề nghị các hoạt động tuyên truyền về Luật cần được tập trung cao điểm vào tháng 5, 6 để người dân “quen dần” trước khi Luật Thủ đô có hiệu lực. Theo Giám đốc Sở Tư pháp TP.Hà Nội, TP đã in 330.000 cuốn Luật Thủ đô, phát hành đến cấp xã, tổ chức 12/30 hội nghị lớn giới thiệu cho các ngành, đoàn thể và quận huyện do các báo cáo viên của TP (Sở Tư pháp) trực tiếp thực hiện. Hiện Sở đang chuẩn bị tài liệu hỏi đáp, giải thích về luật và sẽ làm chương trình về Luật Thủ đô trên truyền hình vào đầu tháng 5./.
Huy Anh