Hội thảo hoàn thiện Bộ công cụ lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

11/04/2013
Hội thảo hoàn thiện Bộ công cụ lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2013, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp đã tổ chức Hội thảo hoàn thiện Bộ công cụ lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Hạ Long vào ngày 5 tháng 4 năm 2013 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền - Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ ngành Tư pháp. Tham dự Hội thảo có đại diện của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Sở Tư pháp, Hội liên hiệp phụ nữ và đại diện của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Luật Bình đẳng giới được ban hành năm 2006 và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2007 là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện bình đẳng giới hướng đến mục tiêu xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Luât Bình đẳng giới quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới.

Triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, theo phân công của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới, bao gồm các Nghị định quy định nội dung quản lý nhà nước về bình đẳng giới, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới. Tiếp tục những kết quả đã đạt được, năm 2011, Bộ Tư pháp, trực tiếp là Ban Vì sự tiến bộ của ngành Tư pháp dưới sự hỗ trợ của dự án Tăng cường năng lực tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam đã xây dựng Bộ công cụ lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2012, Bộ công cụ đã từng bước được đưa ra áp dụng thí điểm trong các khâu của quá trình xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp, trong đó có dự án Luật Hộ tịch.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với Bộ công cụ lồng ghép giới. Bộ công cụ được coi là một tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho việc thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng chính sách, pháp luật từ khâu lập chương trình xây dựng văn bản, soạn thảo, thẩm định văn bản đến giai đoạn thông qua văn bản. Đây là một trong những giải pháp quan trọng cho việc nâng cao hiệu quả công tác lồng ghép giới, tạo điều kiện thuận lợi cho những cán bộ trực tiếp tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thực hiện nhiệm vụ của mình. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị cần cụ thể hóa hơn nữa các nội dung hướng dẫn kỹ thuật về lồng ghép giới cũng như cần có những định hướng để bảo đảm việc lồng ghép giới có thể được thực hiện tại bất kỳ khâu nào của quy trình xây dựng pháp luật ngay khi phát hiện vấn đề giới. Các đại biểu chia sẻ: Bộ công cụ cũng cần tính toán cho phù hợp với tất cả các hình thức của văn bản cũng như đón nhận những thay đổi khi có Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật chung.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền cho rằng: Bộ công cụ được xây dựng theo yêu cầu lồng ghép giới trong xây dựng văn bản được quy định tại Luật Bình đẳng giới và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có những nội dung hướng dẫn kỹ thuật lồng ghép giới cần thiết cho cán bộ trực tiếp tham gia xây dựng pháp luật. Bộ công cụ được hoàn thiện và triển khai trên thực tế sẽ cung cấp những cơ sở cho Bộ Tư pháp trong việc xây dựng Thông tư hướng dẫn lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật và về lâu dài sẽ là cơ sở đưa ra các đề xuất liên quan đến đánh giá tác động văn bản cũng như hoàn thiện quy trình xây dựng luật trong dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chung. Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp ý thức được trách nhiệm đối với việc thực hiện các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và hiện nay là bình đẳng giới. Nhiều hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp đã được tổ chức và mang lại những kết quả tích cực, từng bước làm thay đổi nhận thức và thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị trí, vai trò của nữ giới trong ngành Tư pháp, góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam nói chung.