Sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình phải đảm bảo quyền lợi và đem lại thuận lợi cho nhân dân

22/03/2013
Sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình phải đảm bảo quyền lợi và đem lại thuận lợi cho nhân dân
Chiều 21/3, Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) đã tổ chức họp lần thứ 3 để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật.

Tại cuộc họp, một số vấn đề lớn trong Dự thảo Luật tiếp tục được đưa ra thảo luận lấy ý kiến: áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình; độ tuổi kết hôn; trường hợp cấm trong kết hôn; chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn; chế độ tài sản trong hôn nhân theo thỏa thuận; vấn đề ly thân; căn cứ thủ tục giải quyết ly hôn; mang thai hộ.

Các đại biểu tham dự cuộc họp đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về các vấn đề trên. Một số vấn đề như độ tuổi kết hôn; kết hôn đồng giới; mang thai hộ được thảo luận thẳng thắn và sôi nổi. Đối với độ tuổi kết hôn: một số ý kiến cho rằng không nên quy định như Luật hiện hành (từ đủ 20 tuổi với nam, từ đủ 18 tuổi với nữ), mà quy định nam, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên được phép kết hôn. Đồng thời không nên giảm độ tuổi kết hôn đối với các dân tộc ít người để đảm bảo cho giống nòi sinh ra khỏe mạnh về thể lực và trí tuệ.

Kết hôn đồng giới không còn mới mẻ đối với thế giới, nhưng lại là vấn đề nhạy cảm ở Việt Nam và luôn nhận được nhiều tranh luận trái chiều đối với việc sửa đổi Luật lần này là có nên công nhận hôn nhân đồng tính hay không? Dự thảo Luật đưa ra hai phương án: không quy định vấn đề này trong luật, phương án thứ hai là cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng: ở Việt Nam không nên công nhận hôn nhân đồng giới.

Về vấn đề mang thai hộ, các ý kiến cho rằng: nên cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đồng thời cần phải có các quy định thật rõ ràng và cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho các bên và cho chính đứa con chào đời bằng hình thức này.

 

Trong cuộc họp, hai vấn đề nhận được nhiều đồng thuận nhất chính là việc thuận tình ly hôn sẽ không phải ra Tòa án mà chỉ cần làm thủ tục ly hôn tại xã (phường, thị trấn) để đơn giản hóa thủ tục. Bên cạnh đó là việc cần có quy định: khi đăng ký kết hôn phải có chứng nhận về sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền, đảm bảo khi đã kết hôn các bên hoàn toàn khỏe mạnh để duy trì nòi giống cho gia đình và cho xã hội.

Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng yêu cầu: Các vấn đề nêu trên cần được nghiên cứu kỹ trên cơ sở đảm bảo quyền lợi và thuận lợi cho người dân, khi đưa ra các quy định cần hạn chế các thủ tục hành chính phiền hà mới có thể phát sinh. Ở những cách tiếp cận khác nhau có quan điểm khác nhau, nhưng khi sửa đổi Luật phải đảm bảo các vấn đề về đạo đức, văn hóa và truyền thống dân tộc. Các quy định đưa ra cần phải nhìn từ giác độ con người chứ không phải để tiện cho quản lý nhà nước.