Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Bí thư Ban Cán sự Bộ Tư pháp đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã thay mặt tập thể Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, đại diện một số Ban, ngành, cơ quan Trung ương, đặc biệt là sự tham gia của hơn 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo và cấp ủy của các đơn vị: Viện Khoa học pháp lý, Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, các trường Trung cấp Luật, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia; đại diện lãnh đạo, các chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính của các đơn vị: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Vụ Hành chính tư pháp, Vụ Bổ trợ tư pháp, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Thi đua - Khen thưởng, Thanh tra, Văn phòng, Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Cục Con nuôi, Cục Công nghệ thông tin, Cục Bồi thường Nhà nước, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Cơ quan đại diện của Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh; toàn thể lãnh đạo và công chức của các đơn vị xây dựng pháp luật: Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Vụ Pháp luật quốc tế và Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đánh giá cao sự chủ động, tích cực của tất cả các cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp trong việc tham gia hoạt động lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, của Tổ Giúp việc của Bộ Tư pháp về tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo, trong đó có Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính là đơn vị thường trực. Bộ trưởng khẳng định việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một sự kiện chính trị quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên và tập trung chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương, trong đó có Bộ Tư pháp, Ngành Tư pháp. Về tổng thể và cơ bản, việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo đã được toàn Ngành Tư pháp triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ, bám sát các kết luận của Hội nghị Trung ương 2 và 6, Chỉ thị của Bộ Chính trị , Nghị quyết Quốc hội, Kế hoạch của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, của Chính phủ, đặc biệt là thực hiện theo đúng Hướng dẫn số 239/HD-UBDTSĐHP ngày 23/2/2013 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng như các văn bản chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tổ chức lấy ý kiến.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Trưởng Nhóm 1 của Tổ Giúp việc của Bộ Tư pháp về tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã trình bày “Báo cáo tình hình xây dựng Báo cáo kết quả kết quả lấy ý kiến của Bộ Tư pháp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” và giới thiệu những nội dung cơ bản của Dự thảo Báo cáo. Theo đó, Bộ Tư pháp đã nhận được “Báo cáo kết quả góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” của 34/34 đơn vị thuộc Bộ, 19/30 tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, 58/63 Sở Tư pháp và 60/63 Cục Thi hành án dân sự địa phương, trong đó nhiều Báo cáo đã thể hiện tâm huyết với ý thức trách nhiệm, chất lượng cao. Bên cạnh đó, vẫn còn những văn bản góp ý chưa thực sự sâu, chủ yếu góp ý về mặt kỹ thuật, một vài đơn vị không có ý kiến góp ý (nhất trí hoàn toàn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp). Theo Thống kê của Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp đối với “Mục thăm dò ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” đã có 389 ý kiến đồng ý và 25 ý kiến chưa đồng ý đối với 23 điều, khoản cơ bản trong Dự thảo... Báo cáo tóm tắt của Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính liên quan đến nội dung đề xuất, kiến nghị về việc tiếp thu, chính lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tập trung vào 9 nhóm vấn đề cơ bản, bao gồm: Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Vê kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường; Về Hội đồng tư pháp quốc gia; Về điều ước quốc tế; Về Chính phủ; Chính quyền địa phương; Về Hội đồng Hiến pháp; Về vấn đề trưng cầu ý dân; Về kỹ thuật lập hiến.
Để làm rõ thêm các nội dung của “Báo cáo kết quả kết quả lấy ý kiến của Bộ Tư pháp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”, Hội nghị đã được nghe tham luận của các chuyên gia, các đại biểu đến từ một số đơn vị thuộc Bộ về những vấn đề tập trung nhiều ý kiến đóng góp, như tham luận của đại diện lãnh đạo Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Cục Bồi thường nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội, Viện Khoa học pháp lý, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, đại diện Ban Thư ký, Chuyên gia cao cấp của Bộ Tư pháp Dương Thanh Mai…Hội nghị cũng được nghe các ý kiến góp ý trực tiếp của các quý vị đại biểu về Dự thảo Báo cáo của Bộ Tư pháp, cũng như một số vấn đề được đại biểu quan tâm trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại Hội nghị, thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ban Tổ chức đã phát “Phiếu xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” theo đúng mẫu của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã đánh giá “Hội nghị góp ý Dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Bộ Tư pháp” đã được tiến hành trong một ngày làm việc nghiêm túc, hiệu quả, cơ bản hoàn thành yêu cầu đề ra. Với 12 ý kiến tham luận, thảo luận trực tiếp tại hội nghị, cũng như hơn 172 ý kiến của các cơ quan, đơn vị, 1.570 ý kiến của các cá nhân được tổng hợp đầy đủ trong Dự thảo Báo cáo của Bộ Tư pháp, các ý kiến góp ý gửi về Ban Tổ chức qua “Phiếu xin ý kiến” phát tại Hội nghị, Bộ trưởng ghi nhận tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cố gắng của các cơ quan, đơn vị, các cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành Tư pháp đối với sự kiện lớn, quan trọng của đất nước. Bộ trưởng cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với các cơ quan báo chí trong việc thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về hoạt động lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Bộ trưởng giao trách nhiệm cho Tổ Giúp việc của Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Báo cáo của Bộ Tư pháp, trình Ban Cán sự, Lãnh đạo Bộ ký gửi cơ quan thẩm quyền đúng thời hạn, đồng thời tiếp tục khẩn trương tổng hợp đầy đủ các Báo cáo kết quả góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của 63 địa phương, 30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, giúp Chính phủ xây dựng “Báo cáo kết quả góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Chính phủ”, kịp thời gửi Báo cáo về Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp theo đúng kế hoạch (trước ngày 31/3/2013).
Hội nghị góp ý Dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến của Bộ Tư pháp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được diễn ra trong cả ngày thứ 6 (15/03/2013)./.
Phạm Hồng Quang, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính
Cục CNTT