Sáng 14/3, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham gia của đại diện các đơn vị thuộc Bộ và một số cơ quan liên quan, đại diện Sở Tư pháp, Hội Công chứng và Đoàn Luật sư một số địa phương. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh: đất đai là tài sản đặc biệt, có ý nghĩa to lớn trong đời sống nhân dân và sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Thực tế cho thấy, các quy định về đất đai hiện hành không còn phù hợp, thậm chí có những điểm bất cập gây cản trở sự phát triển chung của xã hội. Vì vậy, việc xây dựng chính sách, pháp luật mới về đất đai, trong đó có việc sửa đổi Luật Đất đai hiện hành là rất cần thiết. Thứ trưởng mong rằng các đại biểu tham dự Hội nghị đóng góp ý kiến thẳng thắn, hữu ích để xây dựng dự án luật có chất lượng, có sức sống lâu dài, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm lợi ích của người dân và đất nước.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này gồm 14 chương và 206 điều, tăng 7 chương và 60 điều so với Luật Đất đai năm 2003. Khẳng định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, Dự thảo cũng quy định rõ quyền và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai. Các trường hợp thu hồi đất và căn cứ thu hồi đất – vấn đề rất được người dân quan tâm – được quy định cụ thể, trong đó có các trường hợp: thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế, xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế, đồng thời khắc phục tình trạng tùy tiện trong thu hồi đất.
Thảo luận tại Hội nghị, nhiều đại biểu lo ngại rằng việc quy định trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội (quy định tại Điều 61 của Dự thảo) sẽ dẫn đến những bất cập có thể phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt là vấn đề lợi ích nhóm, không đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện theo yêu cầu của các bên hay theo quy định của pháp luật cũng thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Đa số ý kiến đều ủng hộ quy định tại phương án 1, Điều 161 của Dự thảo là phải công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất để đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch, đảm bảo lợi ích của người dân và nhà nước.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng tích cực trao đổi, thảo luận một số vấn đề khác như: quy định về giá đất; thời gian giao quyền sử dụng đất; xác định các tiêu chí cụ thể của chủ thể sử dụng đất là hộ gia đình, cộng đồng dân cư… Đặc biệt, các đại biểu đều cho rằng phải xây dựng Dự thảo phù hợp với quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự đang trong quá trình sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.