Tọa đàm góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi

07/03/2013
Tọa đàm góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi
Sáng 07/3, Bộ Tư pháp đã phối hợp với tổ chức JICA tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi (phần vật quyển) với sự tham gia của các giáo sư đến từ Nhật Bản, các đại biểu và chuyên gia đến từ một số Bộ, ngành và trường Đại học và thành viên Tổ biên tập dự án sửa đổi Bộ luật Dân sự. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng và giáo sư Aikyo Morishima chủ trì Tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết: phạm vi sửa đổi Bộ luật dân sự năm 2005 lần này là cơ bản và toàn diện, trong đó trung tâm là phần tài sản và quyền sở hữu (dự kiến sẽ được quy định thành Phần Vật quyền). Thứ trưởng chỉ rõ: Việc sửa đổi, bổ sung phần tài sản và quyền sở hữu đã đặt ra nhiều vấn đề pháp lý rất phức tạp với Việt Nam cả về lý luận và thực tiễn. Đó có thể là mới với Việt Nam, nhưng cũng có thể có những đặc thù của Việt Nam trong thực tiễn pháp lý và thực tiễn giao lưu dân sự. Vì vậy , để có được nhiều thông tin nhất phục vụ cho công tác soạn thảo Luật, cũng như các hoạt động nghiên cứu khoa học và đào Luật của Việt Nam, Thứ trưởng đề nghị nhóm thường trực tổ biên tập, các thành viên tổ biên tập, các chuyên gia và đại biểu Việt Nam tham gia tọa đàm nghiêm túc, tích cực đưa ra câu hỏi và thảo luận.

Tại Tọa đàm, các giáo sư Nhật Bản đã trình bày những chuyên đề về chế độ vật quyền trong luật dân sự như: cấu trúc của phần vật quyền, định nghĩa về vật và tài sản, nguyên tắc luật định về vật quyền, chiếm hữu, biến động vật quyền và vật quyền hưởng dụng.

Giáo sư Aikyo Morishima nhấn mạnh: Với tiền đề là thực hiện trao đổi hàng hóa - nền tảng kinh tế của xã hội thị dân - một cách suôn sẻ, thì vai trò của chế định vật quyền là làm cho chủ thể của hàng hóa có quyền tự do trao đổi hàng hóa bởi ý chí của mình mà không chịu sự can thiệp của người khác. Quyền sở hữu là điển hình của vật quyền. Người có quyền sở hữu được quyền tự do sử dụng, định đoạt vật sở hữu của mình. Vật quyền mà tiêu biểu là quyền sở hữu, được coi là quyền chi phối trực tiếp đối với vật và tương phản với Trái quyền.

Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 7 và 8/3, sau đó được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 11 và 12/3/2013. Thông qua việc lắng nghe phần thuyết trình của các giáo sư Nhật Bản và trao đổi tại tọa đàm, các đại biểu sẽ có những ý kiến đầy đủ và sâu sắc hơn để đóng góp cho quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự của Việt Nam trong thời gian tới.