Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm việc tại Phú Thọ: Khẩn trương kiện toàn đội ngũ cán bộ cho ngành Tư pháp

01/03/2013
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm việc tại Phú Thọ: Khẩn trương kiện toàn đội ngũ cán bộ cho ngành Tư pháp
Hôm qua, 28/02 trước khi kết thúc chuyến công tác kiểm tra việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Đoàn kiểm tra đã làm việc với tỉnh Phú Thọ. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng và Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ về công tác Tư pháp và Thi hành án dân sự.

Nhiều cách làm hay

Bộ trưởng Hà Hùng Cường rất ấn tượng khi tổ chức triển khai lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Tỉnh ủy đã ban hành 01 thông tri và 03 quyết định nhằm lãnh đạo, chỉ đạo công tác này, Theo đó, Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo. Đồng thời tại 13/13 huyện, thành, thị đều đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc, nhờ đó, việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác này được thông suốt, “đều tay” và quyết liệt trên khắp các địa bàn.

"Đây là kết quả của sự chỉ đạo nghiêm túc, cụ thể, sát sao của Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Thọ", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thay mặt Đoàn kiểm tra, Bộ trưởng cũng đánh giá cao những kinh nghiệm tốt, cách làm hay, nổi bật của Phú Thọ trong công tác tuyên truyền nội dung Dự thảo và việc lấy ý kiến nhân dân cũng như truyền tải, giới thiệu về các nội dung ý kiến đóng góp vào Dự thảo.

Bộ trưởng cũng trân trọng sự quan tâm đầu tư, ưu tiên kinh phí của Tỉnh cho việc in ấn, cung cấp các bộ tài liệu phục vụ lấy ý kiến nhân dân, đặc biệt là ở những vùng khó khăn trong tiếp cận thông tin, tài liệu để đảm bảo mọi người dân đều có thể tham gia ý kiến về những vấn đề mình quan tâm. Với kết quả bước đầu (hơn 2300 ý kiến đóng góp) đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và sự quan tâm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đối với những vấn đề rất cơ bản của Dự thảo Hiến pháp.

Báo cáo rõ hơn với Đoàn kiểm tra, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đình Cúc cho biết thêm: nhận thức rõ đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là nghĩa vụ cũng là quyền lợi của mỗi cán bộ, nhân dân nên tỉnh luôn tạo điều kiện tối đa để người dân tiếp cận, tìm hiểu, góp ý vào dự thảo Hiến pháp. Để có những ý kiến chuyên sâu, tỉnh cũng luôn quan tâm gợi ý đối với từng nhóm đối tượng nào thì góp ý nội dung gì.... Tuy nhiên Phó Chủ tịch cũng đề nghị Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể để địa phương thuận lợi trong triển khai.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vi Trọng Lễ cũng cho biết thêm, khó khăn là công tác hướng dẫn việc triển khai tổ chức lấy ý kiến chưa thật cụ thể, chưa dự liệu hết những khó khăn gặp phải trong triển khai ở cấp cơ sở; đặc biệt chưa chủ động dành kinh phí riêng cho nhiệm vụ lấy ý kiến. Kết quả bước đầu cho thấy, số lượng và chất lượng các ý kiến đóng góp về dự thảo chưa tương xứng với quy mô triển khai, nhiều hội nghị ở khu dân cư do trình độ dân trí thấp, tài liệu ít nên góp ý sơ sài.

Thấy được lòng dân qua sửa đổi Hiến pháp

Chia sẻ với Phú Thọ về những khó khăn trong việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, nhưng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đều lưu ý địa phương việc góp ý phải đi vào thực chất, tránh hình thức. Làm sao cố gắng để mọi người dân đều được tuyên truyền về chủ trương sửa đổi cũng như được góp ý vào bản dự thảo quan trọng này.

Nhấn mạnh "sửa đổi Hiến pháp là công việc trọng đại trong số các việc trọng đại" và "là vinh dự và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân", Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng khẳng định, qua việc lấy ý kiến sẽ giúp hiểu hơn lòng dân. Đây cũng là cơ hội để qua đó tăng cường ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.

Bộ trưởng cũng đề nghị Phú Thọ đẩy nhanh tiến độ, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và hướng dẫn nội dung lấy ý kiến; tập trung hướng dẫn và chỉ đạo Tổ giúp việc, các Ban chỉ đạo huyện, thành, thị thực hiện khẩn trương, thống nhất để đảm bảo chất lượng và tiến độ hoàn thành Báo cáo tổng hợp của Tỉnh....

Để có một bản Hiến pháp trong tương lai thực sự có sức sống lâu bền, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước, Bộ trưởng mong muốn "có tiếng nói của Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ tại Hội nghị trung ương VII, chuẩn bị ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tại kỳ họp thứ 5 và 6 của Quốc hội về hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp".

Nhiều giải pháp "vực" dậy công tác tư pháp

Cũng trong chiều 28/02, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ về công tác tư pháp và Thi hành án dân sự trên địa bàn. Dự buổi làm việc có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Dân Mạc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Minh Châu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đình Cúc.

Cách đây chưa đầy 1 tháng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác Tư pháp, Thi hành án dân sự 2013 của Phú Thọ. Tuy nhiên Bộ trưởng rất trăn trở khi thấy "công tác tư pháp đang chững lại", công tác thi hành án dân sự cũng còn nhiều hạn chế. Trăn trở của Bộ trưởng cũng là lo lắng của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Dân Mạc. Do đó, buổi làm việc tập trung vào việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.

UBND tỉnh đã chỉ rõ những hạn chế trong công tác tư pháp của Phú Thọ trên các lĩnh vực như văn bản pháp quy, phổ biến giáo dục pháp luật, hộ tịch, công chứng, lý lịch tư pháp, luật sư, tổ chức bộ máy... UBND tỉnh đưa ra 10 giải pháp khắc phục, trong đó có kiện toàn bộ máy, bổ sung biên chế cho Sở Tư pháp đối với những việc mới được giao; bổ sung biên chế cho Phòng Tư pháp cấp huyện bảo đảm mỗi Phòng có ít nhất từ 4 biên chế và bổ sung biên chế cho Tư pháp hộ tịch cấp xã....

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bùi Minh Châu cho rằng, nguyên nhân những yếu kém của ngành Tư pháp tỉnh đầu tiên phải kể đến những hạn chế trong công tác cán bộ. Bên cạnh đó, để còn nhiều tồn tại của công tác này cũng có trách nhiệm của Bộ, của địa phương, "Tỉnh ủy, UBND, Bộ Tư pháp cần có sự quan tâm hơn với ngành Tư pháp, THADS. Bản thân ngành cũng phải tự vươn lên, quyết liệt, sâu sát hơn"- Phó Bí thư nói.

Cơ bản nhất trí với các giải pháp mà tỉnh đề ra, tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đặc biệt nhấn mạnh đến công tác tổ chức cán bộ. Theo Bộ trưởng, cần kiện toàn đội ngũ lãnh đạo tại Sở Tư pháp, bổ sung biên chế cho tư pháp huyện, xã, sớm kiện toàn nhân sự Đoàn Luật sư tỉnh, thành lập tổ chức Đảng của Đoàn Luật sư; kiện toàn đội ngũ pháp chế tại các sở, ngành.

Ghi nhận những đề xuất của tỉnh nhưng Bộ trưởng thẳng thắn "phải coi công tác tư pháp là của cấp ủy, chính quyền địa phương chứ không nên "khoán trắng" cho ngành Tư pháp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Dân Mạc hứa, sắp tới sẽ kiện toàn đội ngũ lãnh đạo cho Sở Tư pháp, sắp xếp, bố trí lại các vị trí công tác của các phòng ban chuyên môn; Chủ tịch giao Sở Tư pháp, Sở Nội vụ rà soát quỹ biên chế, tính toán, đề xuất việc bổ sung biên chế cho Phòng Tư pháp, Tư pháp xã sao cho có thể tiệm cận với số bình quân của toàn quốc. Đối với Sở, ngành trên cơ sở biên chế được giao, phải lập phòng và bố trí cán bộ làm pháp chế. Trên cơ sở buổi làm việc tỉnh sẽ có văn bản đến các huyện, thị, thành phố để chỉ đạo, tăng cường công tác tư pháp tuy nhiên, Chủ tịch UBND yêu cầu Sở Tư pháp cần tăng cường công tác tham mưu cụ thể, kịp thời.

Thu Hằng