Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Nghị định về hoạt động dịch thuật trong lĩnh vực chứng thực

28/01/2013
Để thực hiện mục tiêu quản lý chất lượng người dịch cũng như chất lượng bản dịch trong lĩnh vực chứng thực theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định về hoạt động dịch thuật trong lĩnh vực chứng thực và ngày 25/01 đã diễn ra buổi họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập để góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị định. Theo đó sẽ siết chặt tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch và để được cấp chứng chỉ hành nghề dịch thuật, người dịch sẽ phải qua kiểm tra trình độ dịch thuật.

Điều 7 Dự thảo Nghị định quy định các tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch bao gồm có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam; có bằng cử nhân ngoại ngữ do cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hoặc bằng tốt nghiệp đại học do cơ sở giáo dục đại học của nước ngoài cấp và được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận; đạt yêu cầu kiểm tra trình độ dịch thuật và được cấp chứng chỉ hành nghề dịch thuật.

Việc kiểm tra trình độ dịch thuật được thực hiện bởi Hội đồng kiểm tra trình độ dịch thuật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập theo khu vực, căn cứ vào số lượng hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề dịch thuật. Hồ sơ này do người có nhu cầu cấp chứng chỉ hành nghề dịch thuật gửi trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện đến Bộ Tư pháp. Đối với những ngôn ngữ không thông dụng, người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề được miễn một số loại giấy tờ như bản sao có chứng thực văn bằng về ngôn ngữ dịch thuật.

Bình luận về Dự thảo Nghị định, tại buổi họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập ngày 25/01, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, dịch thuật không phải là dịch văn học nên “Bộ Tư pháp phải quản lý là đúng” và các quy định trên “cũng không có vấn đề gì, mặc dù khi ban hành có thể gây ra một số phản ứng trước chủ trương tiến tới hình thành được đội ngũ dịch thuật chuyên nghiệp”. Tuy nhiên, vị đại diện này cung cấp thêm một số kinh nghiệm của Pháp trong quản lý về lĩnh vực chứng thực chữ ký người dịch và lưu ý Bộ Tư pháp nên tham khảo thêm quy định pháp luật của một số quốc gia khác để bảo đảm “tính quy củ hơn”.

Bà Nguyễn Thị Thu (Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp) thì bày tỏ lo ngại về tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch như trên chưa được chặt chẽ. Bà Thu dẫn chứng, trường hợp người dịch có bằng tốt nghiệp đại học do cơ sở giáo dục đại học của nước ngoài cấp khác với ngôn ngữ cần dịch, chẳng hạn tốt nghiệp ở Nga nhưng lại dịch tiếng Anh, sẽ giải quyết ra sao. Do đó, cần nêu rõ là người dịch chỉ được dịch ngôn ngữ của nước mà mình đã có bằng tốt nghiệp đại học tại nước đó.

Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tư pháp) lại đề nghị, bên cạnh Hội đồng kiểm tra trình độ dịch thuật cũng nên chú ý hơn đến việc cấp chứng chỉ hành nghề dịch thuật. Vị đại diện này phân tích: Hội đồng kiểm tra trình độ dịch thuật làm việc theo quy chế do Bộ Tư pháp ban hành, chịu trách nhiệm lập danh sách kèm theo hồ sơ của những người đạt yêu cầu kiểm tra trình độ, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, cấp chứng chỉ hành nghề dịch thuật. Tuy nhiên, đối với những ngôn ngữ không thông dụng, Bộ Tư pháp không lập Hội đồng kiểm tra trình độ mà sẽ chỉ xem xét, cấp chứng chỉ hành nghề dịch thuật dựa trên hồ sơ của người đề nghị cấp chứng chỉ nên cũng cần phải có quy trình cụ thể.

Cẩm Vân