Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao tổ chức tổng kết Dự án JUDGE

22/11/2012
Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao tổ chức tổng kết Dự án JUDGE
Ngày 22/11, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) và Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA) đã phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án phát triển tư pháp và sự tham gia của cơ sở (JUDGE). Đây là Dự án do Chính phủ Canada hỗ trợ với nhiều hoạt động không chỉ góp phần nâng cao năng lực của các cán bộ pháp luật mà quan trọng hơn là đảm bảo công bằng hơn cho mọi người dân, nhất là người dân ở cấp cơ sở.

Phù hợp với mục tiêu cải cách tư pháp của Việt Nam

Đánh giá về Dự án, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, Dự án đã góp phần hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nâng cao năng lực trong lĩnh vực tư pháp nhằm tăng cường tính minh bạch, tính chịu trách nhiệm trong quản lý nhà nước. Đồng thời, Dự án đã có những đóng góp nhất định để hỗ trợ nâng cao năng lực của các cán bộ pháp luật trong việc bảo đảm thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát huy một cách hữu hiệu và và đảm bảo công bằng hơn cho mọi người dân, đặc biệt là người dân ở cấp cơ sở

Dự án đã và đang đem đến những kết quả thiết thực cho sự phát triển của nền tư pháp và phù hợp với điều kiện, bối cảnh của Việt Nam. Các kết quả này thể hiện ở ba khía cạnh chủ yếu sau: Thứ nhất, các hoạt động của Dự án hướng tới địa bàn ở cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn), đặc biệt là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận thông tin pháp luật, dịch vụ tư pháp của người dân còn hạn chế, chưa thuận lợi.

Thứ hai, đối tượng thụ hưởng chính mà Dự án hướng tới là phụ nữ, nông dân – là những đối tượng cũng được Đảng và Nhà nước dành nhiều sự quan tâm, đầu tư về mọi mặt, trong đó có quyền pháp lý và tăng cường hơn nữa cơ hội tiếp cận pháp lý của người dân.

Thứ ba, mục tiêu hoạt động của Dự án có nhiều đồng thuận, phù hợp với mục tiêu cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước Việt Nam kiên trì, tích cực theo đuổi hướng tới, thể hiện rõ trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chiến lược phát triển của Việt Nam về xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông nghiệp, nông thôn, cải cách tư pháp, dân chủ cơ sở, nghị quyết về công tác phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhìn lại quá trình gần 6 năm thực hiện Dự án, về phía TANDTC, Phó Chánh án thường trực Đặng Quang Phương khẳng định, thành công của Dự án đã hỗ trợ tích cực cho ngành Tòa án Việt Nam trong công cuộc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo định hướng của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng lực cho ngành TA, Các hoạt động của Dự án trong những năm qua không chỉ mang lại những kết quả trước mắt, mà những kết quả này cùng những ý tưởng và tinh thần của Dự án sẽ có ảnh hưởng lâu dài, bền vững đến công cuộc cải cách và phát triển nền tư pháp tại Việt Nam” – ông Phương nhấn mạnh.

Nhân rộng mô hình “một cửa” tại Tòa án

Một trong những thành quả nổi bật mà Dự án đã đạt được là thí điểm cải cách thủ tục hành chính tư pháp (thành lập và triển khai Bộ phận hành chính tư pháp tại Tòa án theo mô hình “một cửa”) ở TAND ba tỉnh Hưng Yên, Thừa Thiên – Huế và Vĩnh Long. Việc thực hiện thành công mô hình “một cửa” mang lại những thay đổi tích cực trong nội bộ mỗi TAND thực hiện thí điểm và ấn tượng hơn cả là tăng cường khả năng tiếp cận công lý cho nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Đại diện một trong ba Tòa án thí điểm, Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Long Lý Khánh Hồng cho biết, qua khảo sát về hiệu quả hoạt động cải cách hành chính tư pháp tại các Tòa án thí điểm, những thay đổi của việc cải cách thủ tục hành chính đã giúp chi phí tuân thủ của ngành Tòa án và mức chi phí tuân thủ cho người dân giảm đi phân nửa. Các mức giảm tương ứng tại TAND tỉnh Hưng Yên là 62% và 51%, ở TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế là 62% và 50%, tại TAND tỉnh Vĩnh Long là 63% và 50%. “Đây là hiệu quả thiết thực được đánh giá một cách khách quan” – ông Hồng chia sẻ và bày tỏ mong muốn Dự án tiếp tục duy trì, phát triển để người dân có cơ hội tiếp cận được những dịch vụ pháp lý tốt nhất tại các Tòa án thí điểm.

Phó Chánh án Đặng Quang Phương nhận định, hoạt động thí điểm đem lại cho các Tòa án kiến thức, kinh nghiệm, cách thức tổ chức và tiến hành việc cải cách hành chính tư pháp tại Tòa án – vốn là một nhiệm vụ quan trọng hiện nay của ngành TAND, đồng thời góp phần làm cho hoạt động của Tòa án minh bạch và dễ tiếp cận hơn với người dân. “Việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình này, tiến tới nhân rộng tại các TA trên toàn quốc là rất cần thiết” – ông Phương nói.

Cẩm Vân