Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo về dịch vụ pháp lý cho khu vực công

22/11/2012
Trong hai ngày 20 – 21/11, phối hợp với Viện KAS (CHLB Đức), Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Dịch vụ pháp lý cho khu vực công – kinh nghiệm một số nước và khả năng áp dụng tại Việt Nam” nhằm trao đổi, thảo luận những kinh nghiệm cần thiết cho việc xây dựng và áp dụng chế định luật sư công tại Việt Nam, phục vụ Đề án “Xây dựng đội ngũ luật sư công” đã được Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương giao phó.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, thực tế ở Việt Nam cho thấy loại tranh chấp giữa một bên là Nhà nước, mà trực tiếp là một cơ quan nhà nước nào đó với một bên là công dân đang có xu hướng gia tăng. Trong khi hầu hết các đối tượng phi nhà nước (công dân, doanh nghiệp) đều có luật sư hỗ trợ các vấn đề pháp lý trong quá trình tranh chấp và giải quyết tranh chấp, thì việc các cơ quan nhà nước không có luật sư chuyên nghiệp bảo vệ quan điểm, lợi ích của mình có thể đặt các cơ quan này vào thế bất lợi, đặc biệt là trong cơ chế giải quyết tranh chấp bình đẳng, nhấn mạnh nguyên tắc tranh tụng.

Theo Thứ trưởng Liên và qua một số ý kiến phát biểu tại hội thảo, để đáp ứng nhu cầu tư vấn pháp luật trong hoạt động của bộ máy Nhà nước thì có 2 giải pháp. Cụ thể là, trong cơ chế thị trường, các cơ quan nhà nước có thể thuê dịch vụ tư vấn pháp luật của các luật sư đang hành nghề tại các văn phòng, công ty luật trên thị trường. Lợi thế của cơ chế thuê luật sư thị trường là các cơ quan nhà nước có thể duy trì bộ máy gọn nhẹ và chỉ cần huy động luật sư trong các trường hợp cần thiết.

Tuy nhiên, việc thuê luật sư thị trường cũng có một số bất cập như việc tư vấn cho các cơ quan nhà nước cần hiểu biết tương đối sâu về luật công, trong khi đây hoàn toàn không phải là thế mạnh của các LS thị trường. Ngoài ra, trong công việc hàng ngày của các cơ quan nhà nước, rất nhiều vụ việc cần được tư vấn ngay, đây là điều các luật sư thị trường khó đáp ứng. Bên cạnh đó, trong trường hợp các luật sư thị trường duy trì hoạt động tư vấn cho các cơ quan nhà nước, chi phí cho từng vụ việc có thể cao hơn nhiều so với việc có luật sư được trả lương như công chức.

Một giải pháp khác là các cơ quan nhà nước tuyển dụng cho luật sư làm việc theo chế độ công chức, được trả lương và cung cấp dịch vụ cho các đối tượng liên quan trên cơ sở nhu cầu thực tiễn – hay gọi là luật sư công. Chế định này giúp các cơ quan nhà nước, chủ động hơn trong các dịch vụ pháp lý. Có điều, việc các luật sư không tham gia thị trường dịch vụ và không được trả lương theo thị trường có thể làm cho động lực cạnh tranh nghề nghiệp của họ giảm, từ đó có thể dẫn tới việc suy giảm chất lượng của luật sư công nói chung và chất lượng dịch vụ nói riêng. Không những thế, số lượng các luật sư cũng làm cho bộ máy nhà nước cồng kềnh.

Cẩm Vân