Xây dựng pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật: Bộ pháp điển phải có giá trị pháp lý

17/12/2009
Trước nhu cầu pháp điển hóa các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được ghi nhận trong nhiều văn bản về chính sách và pháp luật, Bộ Tư pháp đã được giao chủ trì soạn thảo dự thảo Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL. Chiều ngày 16/12, Ban soạn thảo dự thảo Pháp lệnh đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Trưởng ban soạn thảo - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.

Đã đến lúc phải pháp điển hệ thống QPPL

Hoạt động pháp điển hóa trên thế giới đã được ghi nhận từ rất sớm. Mục đích nhằm loại bỏ những mâu thuẫn, chồng chéo, các quy định lỗi thời và bổ sung những quy định mới. Đồng thời, tạo sự thuận lợi cho việc áp dụng, tra cứu, nghiên cứu pháp luật. Ở Việt Nam coi pháp điển hóa là một hình thức của hoạt động hệ thống hóa pháp luật.

Các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, nhu cầu pháp điển hóa ở Việt Nam xuất phát từ tình trạng lạm phát văn bản, việc xác định các quy phạm còn có hiệu lực gặp nhiều khó khăn, nhu cầu sử dụng và tìm hiểu các quy định của pháp luật tăng cao; nhu cầu về một hệ thống pháp luật công khai, minh bạch và dễ tiếp cận, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, tìm hiểu, áp dụng pháp luật. Thực tế cho thấy, việc pháp điển hóa sẽ góp phần nâng cao tính thống nhất của các quy định pháp luật, duy trì tính hệ thống của hệ thống pháp luật, tạo tiện lợi cho việc tìm kiếm, áp dụng và quá trình xây dựng pháp luật, nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật.

Ở các nước khác nhau và thời điểm khác nhau, pháp điển hóa có thể được hiểu theo những nghĩa đa dạng khác nhau nhưng về cơ bản, có hai cách hiểu về pháp điển hóa: pháp điển hóa về nội dung và pháp điển hóa về hình thức. Căn cứ vào quy định tại điều 93 Luật Ban hành VBQPPL, ở Việt Nam lựa chọn pháp điển hóa theo hình thức là phù hợp như nhận định của Bộ trưởng Hà Hùng Cường.

Các thành viên cũng thống nhất, Dự thảo Pháp lệnh pháp điển hóa hệ thống QPPL chỉ nhằm tạo ra một khung pháp lý về pháp điển, chứ chưa phải cho ra đời ngay một Bộ Pháp điển của Việt Nam. Như quan điểm của GS.TS. Nguyễn Đăng Dung (ĐHQG Hà Nội), việc xây dựng Pháp lệnh là cần thiết vì phải có một văn bản điều chỉnh hoạt động pháp điển của các Bộ, ban, ngành như công việc thường xuyên, tránh pháp luật trở thành một “đống rối” và trách nhiệm này nên được giao cho Chính phủ. Nhờ đó, giảm thiểu những rắc rối trong thi hành pháp luật.

Xem xét tính ưu tiên về giá trị pháp lý của bộ pháp điển

Đó là băn khoăn của các thành viên Ban soạn thảo và Tổ Biên tập. Bởi lẽ, nếu Bộ Pháp điển có giá trị pháp lý thì văn bản điều chỉnh hoạt động pháp điển không chỉ dừng lại ở mức Pháp lệnh, mà phải là Luật để tránh tình trạng “vướng” các quy định trong những bộ luật, luật khác hiện hành khi cơ quan ban hành văn bản và cơ quan pháp điển khác nhau. Bên cạnh đó, ông Phạm Tuấn Khải (Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ) cũng băn khoăn về giá trị pháp lý của các chủ đề được pháp điển có tương ứng hay thay đổi giá trị của các qui định của văn bản gốc.

Tuy nhiên, với phương châm “theo lộ trình”, ông Đỗ Đức Hồng Hà (Ban Thư ký Bộ Tư pháp) lại cho rằng, truyền thống là pháp điển hóa về nội dung với sản phẩm là một bộ luật. Nhưng do quá nhiều văn bản nên chỉ pháp điển hóa về hình thức, theo từng chủ đề và không quy định hiệu lực cho bộ pháp điển như Đức, Thái Lan. Sau đó, tiếp thu kinh nghiệm Pháp, Mỹ để tiến hành pháp điển hóa cao hơn, lúc đó có thể mới “trang bị” giá trị pháp lý cho bộ pháp điển.

Nhưng theo ý kiến của Trưởng ban soạn thảo - Bộ trưởng Hà Hùng Cường: “Nếu xây dựng bộ pháp điển mà không có giá trị pháp lý thì xây dựng làm gì?”. Vì vậy, việc cần làm là xác định tính ưu tiên về giá trị pháp lý giữa bộ pháp điển và văn bản gốc nếu có mâu thuẫn trong quá trình áp dụng.

Một vấn đề cũng khiến Ban soạn thảo và Tổ Biên tập băn khoăn là việc kết hợp giữa hoạt động hợp nhất (tổng rà soát VBQPPL) và pháp điển. Bộ trưởng chỉ đạo sớm khởi động xây dựng pháp lệnh về hợp nhất VBQPPL (cũng do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo) vì hợp nhất là một trong những công việc quan trọng nhất của quá trình Pháp điển hóa, là một phần của quy trình pháp điển./.

Huy Anh

Dự kiến cuối tháng 9/2010, Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ Dự án Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL để xem xét, cho ý kiến, trước khi Chính phủ kịp trình Ủy ban Thừơng vụ Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 12/2010.