Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm bình luận về dự kiến nội dung phần Vật quyền của Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

09/11/2012
Thực hiện dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và khuôn khổ “Dự án hỗ trợ kỹ thuật về cải cách hệ thống tư pháp và pháp luật” với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trong 2 ngày 07 và 08/11/2012, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm bình luận về dự kiến nội dung phần Vật quyền của Bộ luật dân sự (sửa đổi). Ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Tổ trưởng Tổ biên tập Bộ luật dân sự (sửa đổi) chủ trì tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có thành viên Tổ biên tập, đại diện của một số cơ quan, tổ chức, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo Luật và các chuyên gia Nhật Bản của Dự án JICA.

Đại diện thường trực Tổ biên tập Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã giới thiệu một số nội dung dự kiến phần quy định vật quyền trong Bộ luật dân sự (sửa đổi) và đề nghị thảo luận về 08 vấn đề: (1) Sự cần thiết của quy định vật quyền; (2) ý nghĩa pháp lý của chế độ đăng ký; (3) nội dung của các quyền sở hữu; (4) các hình thức sở hữu; (5) các loại vật quyền hạn chế; (6) vật quyền bảo đảm; (7) quyền ưu tiên; (8) quy định về quyền chiếm hữu trong Bộ luật Dân sự.

Các chuyên gia JICA đã giới thiệu quy định của pháp luật dân sự Nhật Bản liên quan đến những nội dung trên. Về phía Việt Nam, đa số đại biểu nhất trí với dự kiến mà thường trực Tổ biên tập đưa ra. Tuy nhiên, có ý kiến còn băn khoăn và đề nghị làm rõ hơn về sự cần thiết của quy định vật quyền, sử dụng thuật ngữ pháp lý, các quyền bê mặt, vật quyền bảo đảm, quyền ưu tiên...

Kết luận tọa đàm, ông Dương Đăng Huệ đánh giá cao kết quả của tọa đàm, đồng thời đề xuất phía JICA hỗ trợ, tổ chức thêm nhiều tọa đàm hơn nữa vì đây là một nội dung hoàn toàn mới và quan trọng trong công tác sửa đổi Bộ luật Dân sự lần này.

Trịnh Minh Hiền - Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp