Tọa đàm hai năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp

16/10/2012
Tọa đàm hai năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp
Ngày 11/10, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức buổi Tọa đàm hai năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ đã đến dự và chủ trì tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có đại diện một số Sở Tư pháp, đại diện các cơ quan Công an, Quốc phòng, Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án dân sự cùng đại diện các Ban, ngành ở Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ nhấn mạnh: sự ra đời của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong việc thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác LLTP, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân, góp phần vào công cuộc hội nhập quốc tế; xác định rõ trách nhiệm pháp lý và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước Toà án, Viện Kiểm sát, Công an, Quốc phòng, Thi hành án dân sự, các cơ quan tổ chức hữu quan với Trung tâm LLTP quốc gia, Bộ Tư pháp, các  Sở tư pháp địa phương trong việc quản lý LLTP.

Báo cáo hai năm thực hiện Luật LLTP của đại diện Lãnh đạo Trung tâm LLTP quốc gia đã đưa ra bức tranh tổng thể về LLTP trong toàn quốc kể từ khi Luật có hiệu lực (01/7/2010): hoạt động xây dựng thể chế; công tác phối hợp chỉ đạo triển khai thực hiện Luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; việc thành lập Trung tâm LLTP quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc các Sở Tư pháp; công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến Luật LLTP… để từ đó có những đánh giá chính xác, khách quan kết quả đạt được và những hạn chế, vướng mắc, khó khăn, thách thức trong thực tiễn thi hành Luật LLTP, phân tích, tìm ra những nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc nhằm đề xuất, khuyến nghị các giải pháp xử lý hiệu quả, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Luật trong thời gian tới.

 

Đánh giá 2 năm thực hiện Luật LLTP, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Đặng Thanh Sơn cho biết, mặc dù Luật mới thực thi được 2 năm nhưng công tác quản lý LLTP đã bước đầu đi vào nề nếp và dần ổn định: số lượng thông tin LLTP được cập nhật ngày càng đầy đủ, chính xác và kịp thời; các đơn vị đầu mối thực hiện việc cung cấp thông tin LLTP nhìn chung luôn nỗ lực, cố gắng phối hợp thường xuyên để thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật LLTP. Tính đến 30/9/2012, Trung tâm LLTP quốc gia đã nhận được 110.658 thông tin và đã thực hiện cập nhật 99.896 thông tin vào phần mềm quản lý thông tin LLTP; lập 12.278 hồ sơ LLTP bằng giấy; làm thủ tục sao gửi cho các Sở Tư pháp 28.905 giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, giấy chứng nhận đặc xá theo quy định của Luật LLTP. Các Sở Tư pháp trên toàn quốc đã nhận được gần 200.000 thông tin LLTP; lập 118.023 bản LLTP...

Tuy nhiên, qua các ý kiến của các đại điện ban, ngành và các địa phương tại buổi Tọa đàm cũng cho thấy: việc triển khai Luật LLTP đang còn gặp nhiều khó khăn, từ những quy định của Luật khi áp dụng trong thực tiễn còn có những khoảng cách; công tác ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật LLTP còn chậm; công tác phối hợp giữa các cơ quan trong cung cấp, tiếp nhận thông tin LLTP còn chưa thật sự chặt chẽ và hiệu quả ở một số địa phương. Bên cạnh đó, nguồn biên chế cán bộ làm công tác tư pháp còn quá thiếu, chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất phục vụ cho việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP còn chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.

Từ thực tế này, các đại biểu tham dự Tọa đàm đề nghị trong thời gian tới cần tập trung tiếp tục hoàn thiện thể chế về LLTP, trong đó cần lưu ý sớm hoàn thiện Dự thảo “Chiến lược phát triển hoạt động LLTP đến năm 2020, tầm nhìn 2030” để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia LLTP bằng văn bản giấy và  dữ liệu điện tử; tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức ở cả trung ương và đjai phương về LLTP; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP.

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ đánh giá Tọa đàm đã đạt được kết quả và thật sự bổ ích, có ý nghĩa thực tiễn và lý luận. Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Trung tâm LLTPQG, các Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan trong thực hiện Luật LLTP. Đồng chí cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức chủ yếu đặt ra từ thực tiễn thi hành Luật LLTP thời gian qua và hướng tháo gỡ, khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt, Trung tâm LLTP quốc gia, với vai trò của mình, cần tiếp tục nỗ lực cố gắng chủ động tham mưu cho Bộ trưởng thực thi ngày càng hiệu quả các quy định của Luật LLTP trong đời sống xã hội.

Trung tâm LLTP quốc gia