Đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật: “Chuyện thường ngày” của cơ quan công quyền

03/10/2012
Ngày 2/10, phối hợp với Viện KAS (CHLB Đức), Bộ Tư pháp vừa tổ chức hội thảo về thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với việc đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật (THPL) của cơ quan hành chính Nhà nước. Nhiều ý kiến tại hội thảo cho thấy đây là một nhiệm vụ phức tạp khi mà đến nay các tiêu chí giúp định hướng thu thập thông tin phục vụ cho việc đánh giá còn rất chung chung, khó xác định và không có định lượng rõ ràng.

Bắt đầu từ hiệu quả của quy định pháp luật

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã nhấn mạnh: đánh giá THPL là nhằm đánh giá mức độ hoàn thiện của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Bởi vậy, Thứ trưởng rất quan tâm xem liệu các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đánh giá tình hình THPL của cơ quan, đơn vị mình và của cấp dưới không; khi đánh giá thì căn cứ vào những tiêu chí nào, ưu điểm và hạn chế của các tiêu chí ấy, trong quá trình sử dụng có khó khăn gì, nguyên nhân từ đâu… Theo Thứ trưởng, đây không phải là vấn đề đơn giản vì muốn đánh giá thì phải dựa vào chính hiệu quả của mỗi quy định pháp luật, phải trải qua nhiều giai đoạn, nhiều cấp, nhiều yếu tố tác động nhưng không bao giờ tư tưởng của người làm luật “gửi gắm” trong các quy định lại được triển khai một cách dễ dàng.

Chia sẻ với quan điểm của Thứ trưởng Liên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: nhận thức được sự cần thiết của công tác đánh giá để phục vụ xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật, những năm gần đây Bộ Tài chính đều lựa chọn và lên phương án kiểm tra, đánh giá một số văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, đã đánh giá việc THPL trong một số lĩnh vực “nóng”, được dư luận xã hội quan tâm như pháp luật về thuế, pháp luật về tài chính doanh nghiệp (Vinalines, Vinashin…), pháp luật về tài chính trong lĩnh vực an sinh xã hội, pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Ông Nghĩa cũng thẳng thắn trao đổi: qua đánh giá THPL, việc soạn thảo, ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật trong lĩnh vực tài chính hay gặp phải sự “xung đột” lợi ích giữa người làm công tác xây dựng chính sách với những cơ quan, đơn vị, công dân thuộc đối tượng tuân thủ chính sách pháp luật. Chẳng hạn, khi đánh giá thi hành các chính sách, pháp luật về thuế, doanh nghiệp và công dân “đương nhiên” ít khi hài lòng với những giải pháp, biện pháp hay công việc mà cơ quan nhà nước đã làm, nhất là trong những trường hợp doanh nghiệp và công dân bị cơ quan thuế kiểm tra, xử phạt hoặc truy thu thuế.

Xây dựng hệ tiêu chí rõ ràng

Nhiều đại biểu đồng tình rằng muốn đánh giá hiệu quả THPL của các cơ quan hành chính Nhà nước thì không thể thiếu “công cụ”, hay nói cho dễ hiểu là phải có được một hệ tiêu chí đánh giá rõ ràng và minh bạch. Để xây dựng hệ tiêu chí này, tuy là mới nhưng lại có nhiều “tiền lệ” có thể tham khảo được như chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), chỉ số PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), chỉ số MEI (hiệu quả hoạt động xây dựng và THPL về kinh doanh của các Bộ) – chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp Dương Thanh Mai dẫn chứng. Đặc biệt, GS-TS. Hoàng Thị Kim Quế (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) kiến nghị, các cơ quan công quyền trước hết cần phải xác định công việc đánh giá THPL là hoạt động thường ngày của mình.

Từ kinh nghiệm của địa phương trong tự đánh giá hiệu quả THPL về đất đai, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng Võ Thị Như Hoa đúc rút: để giúp cho các cơ quan tự đánh giá được kết quả tổ chức THPL của mình, việc nghiên cứu ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu THPL là rất cần thiết. Hệ tiêu chí này có thể bao gồm các chỉ số về mức độ công khai minh bạch, mức độ thực hiện cam kết, phản hồi, giải trình, xử lý vi phạm, hiệu quả việc huy động, sử dụng nguồn lực… là đề xuất của bà Hoa.

Cẩm Vân