Hội nghị La Hay - cái nôi của nền tư pháp quốc tế: Việt Nam chính thức nộp đơn xin gia nhập

29/09/2012
Hội nghị La Hay - cái nôi của nền tư pháp quốc tế: Việt Nam chính thức nộp đơn xin gia nhập
Sáng 28/9/2012, tại La Hay - thủ đô hành chính của Hà Lan, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký và chính thức trình Thư của Việt Nam xin gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế.

Cùng ngày, Chính phủ Hà Lan đã có Thư gửi Tổng Thư ký Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế giới thiệu và đề nghị Hội nghị La Hay xem xét chấp nhận đề nghị của Việt Nam  xin gia nhập tổ chức này. Cũng ngay trong ngày hôm nay, Tổng Thư ký Hội nghị La Hay đã ký Thư gửi tất cả các quốc gia thành viên đề nghị  xem xét bỏ phiếu chấp nhận tư cách thành viên của Việt Nam. Như vậy, trong vòng 6 tháng kể từ ngày hôm nay (28/9/2012), theo quy định tại Điều 2 của Quy chế Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, nếu được đa số các nước thành viên chấp nhận, Việt Nam sẽ chính thức trở thành Thành viên của Tổ chức uy tín bậc nhất trong lĩnh vực tư pháp quốc tế này. 

 

 

Việc gia nhập Hội nghị La Hay - tổ chức mang tính chuyên môn cao về khoa học tư pháp quốc tế tiếp tục thể hiện bước tiến quan trọng của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, đánh dấu sự hội nhập sâu rộng của  chúng ta vào đời sống pháp lý quốc tế, là minh chứng thể hiện sự sẵn sàng hợp tác của Việt Nam với các nước trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung trong việc cùng hỗ trợ nhau giải quyết những yêu cầu pháp lý về tư pháp quốc tế.

 

Bài viết dưới đây xin giới thiệu tổng quan về Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, phân tích sự cần thiết gia nhập tổ chức này của Việt Nam, đồng thời nhận định những thuận lợi và những khó khăn, thách thức của nước ta khi trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức pháp lý quốc tế uy tín này.

Bối cảnh và sự cần thiết gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam

Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và chủ trương chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia một số thiết chế hợp tác đa phương ở cấp khu vực cũng như quốc tế. Tuy nhiên, trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp nói chung và tương trợ tư pháp về dân sự nói riêng, có thể nói Việt Nam vẫn đang đứng ngoài "cuộc chơi" đa phương.

Hiện nay, cơ sở pháp lý quốc tế cho quan hệ hợp tác trong lĩnh vực tư pháp quốc tế của Việt Nam với các nước còn hạn chế và cơ bản chỉ trên cơ sở song phương. Số lượng các Hiệp định tương trợ tư pháp dân sự cũng còn khá khiêm tốn (17 Hiệp định song phương), trong đó phần nhiều là các điều ước quốc tế với các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây. Một điều đáng lưu ý là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng khu vực và quốc tế của Việt Nam thì độ bao phủ của các Hiệp định này trở nên quá hẹp, chưa tạo ra được cơ sở pháp lý quốc tế đầy đủ trong xử lý các vụ việc phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội. Điều này là thách thức bên trong việc thúc đẩy hợp tác tương trợ tư pháp do hiện tại Việt Nam lại chưa tham gia các thiết chế đa phương nào về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, trừ Công ước New York về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Việc thiếu các công cụ pháp lý quốc tế đa phương đang làm hạn chế hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tương trợ tư pháp

Nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia cơ chế đa phương về hợp tác tư pháp quốc tế, một loạt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã khẳng định vấn đề này. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về việc ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã khẳng định chủ trương “Tham gia các điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp, nhất là các điều ước liên quan tới việc công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của toà án, quyết định trọng tài thương mại”. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về việc ban hành Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2010 một lần nữa nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác tương trợ tư pháp: “Tiếp tục ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các nước khác, trước hết là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các nước có quan hệ truyền thống”. Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI, tiếp tục khẳng định và phát triển đường lối đối ngoại của Việt nam phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn Việt Nam hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới đó là “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.”

Trong các thiết chế đa phương hiện nay về tư pháp quốc tế, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế là một tổ chức quốc tế uy tín nhất toàn cầu. Hội nghị còn được so sánh như là “WTO” trong lĩnh vực tư pháp quốc tế bởi tính phổ cập của Hội nghị và sự bao phủ của các công ước La Hay lên nhiều lĩnh vực của tư pháp quốc tế. Trong khuôn khổ Hội nghị, tính đến thời điểm này đã có 38 công ước điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau của tư pháp quốc tế từ hôn nhân gia đình, hợp tác pháp luật và tư pháp đến thương mại và tài chính quốc tế. Chỉ trong hơn 20 năm qua, số lượng các Quốc gia Thành viên của Hội nghị La-Hay gần như đã tăng gấp đôi với 72 thành viên, trong đó có 71 thành viên là quốc gia và một thành viên là tổ chức (EU). Trong khu vực Châu Á, đã có 24 nước là thành viên của Hội nghị La Hay. Chính vì uy tín quốc tế cao của mình mà Hội nghị đã thu hút được sự tham gia rộng rãi của nhiều quốc gia trên thế giới bất kể theo truyền thống pháp luật án lệ hay theo truyền thống luật thành văn. Điều quan trọng là kinh nghiệm các quốc gia sau khi gia nhập Hội nghị đều thấy những lợi ích to lớn mà thiết chế này đem lại cho sự phát triển nói chung, cho hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp nói riêng của quốc gia đó.

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực, cùng với việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, với phương châm chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế thì việc gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam là thực sự cần thiết. Mục tiêu tôn chỉ của Tổ chức này hoàn toàn phù hợp với chính sách, chủ trương hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việc gia nhập tổ chức quốc tế uy tín như Hội nghị La Hay tiếp tục thể hiện bước tiến của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, mặt khác là minh chứng thể hiện sự sẵn sàng hợp tác của Việt Nam với các nước trong khu vực nói riêng và các nước trên thế giới nói chung trong việc cùng hỗ trợ nhau giải quyết những yêu cầu pháp lý về tư pháp quốc tế.

 

I. Ý NGHĨA CỦA VIỆC VIỆT NAM GIA NHẬP HỘI NGHỊ LA HAY VỀ TƯ PHÁP QUỐC TẾ

Hội nghị La Hay đề cập và xử lý hầu hết các vấn đề pháp lý hiện đại của quan hệ kinh tế, dân sự quốc tế. Do đó, việc gia nhập tổ chức quốc tế này cũng là nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nội tại của các quan hệ dân sự, kinh tế có yếu tố nước ngoài của Việt Nam. Bên cạnh đó, gia nhập Hội nghị là sự tiếp cận đến một thiết chế đơn thuần mang tính chuyên môn cao về khoa hoc tư pháp quốc tế, không nhạy cảm và không mang tính chính trị. Hội nghị La Hay là diễn đàn để các nước thể hiện quan điểm, lập trường, xây dựng cơ sở pháp lý chung điều chỉnh các quan hệ tư pháp quốc tế của các truyền thống pháp luật khác nhau trên thế giới. Tổ chức này được ví như là “WTO” trong lĩnh vực tư pháp quốc tế. Khi gia nhập Hội nghị, Việt Nam sẽ được tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng và hoàn thiện các nền tảng pháp lý quốc tế đa phương trong lĩnh vực tư pháp quốc tế đang ngày càng phát triển, qua đó đưa được quan điểm, tiếng nói của Việt Nam đến với trường quốc tế, góp phần xây dựng và nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam trong hoạt động hợp tác về tư pháp quốc tế ở cấp độ toàn cầu. Hơn thế nữa, việc Việt Nam gia nhập Hội nghị trong bối cảnh ASEAN cũng  đang đẩy mạnh hợp tác về tư pháp sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác của khối ASEAN với quốc tế. 

Việt Nam đang tiến hành cải cách tư pháp và cải cách pháp luật. Việc gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế sẽ góp phần giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tư pháp quốc tế thông qua việc tiếp thu và chuyển tải vào hệ thống pháp luật trong nước những quy định mới hiện đại về tư pháp quốc tế của Hội nghị, xây dựng các điều ước quốc tế mới về tư pháp quốc tế, đưa hệ thống pháp luật của Việt Nam đến gần và phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc hài hòa hóa pháp luật quốc gia với chuẩn mực quốc tế chính là một trong những yếu tố quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại và dân sự của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, qua đó thúc đẩy hội nhập quốc tế của đất nước.

Gia nhập Hội nghị La Hay, đội ngũ cán bộ tư pháp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia vào hoạt động xây dựng các quy định pháp lý quốc tế ở tầm đa phương, thiết lập các quan hệ và giao lưu với đội ngũ chuyên gia pháp lý có trình độ từ nhiều hệ thống pháp luật khác, qua đó góp phần xây dựng lực lượng cán bộ về tư pháp quốc tế cho Việt Nam, giúp nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Việt Nam về Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế.

Việc gia nhập Hội nghị La Hay cũng sẽ góp phần tạo cơ sở thuận lợi cho tiến trình Việt Nam gia nhập các hệ Công ước của tổ chức uy tín này.

 

II. NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC CỦA VIỆT NAM KHI TRỞ THÀNH THÀNH VIÊN CỦA HỘI NGHỊ LA HAY VỀ TƯ PHÁP QUỐC TẾ

1. Thuận lợi

- Đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho việc gia nhập Hội nghị La Hay. Như phân tích ở trên, Nghị quyết của Đảng và các văn kiện quan trọng của Đảng đều khẳng định Việt Nam cần tích cực chủ động hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội nói chung và tăng cường hợp tác tương trợ tư pháp nói riêng.

- Thể chế trong nước về tư pháp quốc tế cũng khá hoàn chỉnh, có thể đáp ứng được việc gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 quy định rõ về quy trình, thủ tục gia nhập điều ước đa phương tạo cơ sở pháp lý cho việc gia nhập các điều ước và các tổ chức quốc tế đa phương. Luật Tương trợ tư pháp cũng thiết lập cơ sở pháp lý thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực tương trợ tư pháp: Bộ Tư pháp có nhiệm vụ “Đề xuất việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp; kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tương trợ tư pháp” (Điều 62 Khoản 4). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có được những bước phát triển trong lĩnh vực tư pháp quốc tế như ban hành các văn bản pháp luật có liên quan đến tư pháp quốc tế như Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật dân sự, Luật thương mại, Luật hôn nhân và gia đình...Những quy định pháp luật trong các văn bản này bước đầu giải quyết được những tranh chấp về dân sự có yếu tố nước ngoài phát sinh trong đời sống kinh tế xã hội, đã dần tiệm cận với các tiêu chuẩn của các Công ước La Hay về tư pháp quốc tế. Trên bình diện quốc tế,  Việt Nam đã ký kết và thực hiện 15 Hiệp định song phương về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, trong đó có các nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật về dân sự và thương mại có yếu tố nước ngoài, công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự/thương mại nước ngoài v.v... 

- Nhận thức về lĩnh vực tư pháp quốc tế trong các cơ quan lập pháp (Ủy ban pháp luật, Ủy ban tư pháp của Quốc hội), bảo vệ pháp luật (Tòa án, Kiểm sát) trong bộ máy nhà nước ta cũng đã nâng lên một bước; kiến thức về tư pháp quốc tế trong một bộ phận Luật gia, Luật sư ở Việt Nam đang được tích lũy; công tác đào tạo, nghiên cứu về tư pháp quốc tế từ nhiều năm nay đã được quan tâm tại các cơ sở nghiên cứu pháp luật và cơ sở đào tạo luật...qua đó đã tạo được nền tảng bước đầu về nhận thức cũng như về nhân lực cho việc thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp quốc tế của Việt Nam nói chung và cho tiến trình gia nhập Hội nghị La Hay nói riêng.

- Việt Nam đã có những bước chuẩn bị thích hợp trong tổng thể chiến lược nghiên cứu khả năng gia nhập Hội nghị La Hay, như cử cán bộ tham gia vào các phiên họp của Hội nghị, tham gia các diễn đàn của Hội nghị cũng như có những nghiên cứu ban đầu về Hội nghị La Hay và các công ước của Hội nghị. Đặc biệt, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế cho thấy điều kiện trong nước đã đáp ứng yêu cầu cho bước đi tiếp theo.

Gia nhập Hội nghị, Việt Nam sẽ được hưởng từ thiết chế này những hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức về tư pháp quốc tế, năng lực gia nhập và thực thi các Công ước của Hội nghị.

2.  Khó khăn, thách thức

- Một trong những khó khăn cho quá trình gia nhập Hội nghị La Hay của Việt Nam là sự hạn chế về nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong nước đối với vai trò của tư pháp quốc tế nói chung và của Hội nghị La Hay nói riêng. Nhìn lại một cách tổng thể quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua có thế thấy các hoạt động hội nhập trong lĩnh vực hợp tác tư pháp quốc tế của ta còn một khoảng cách khá lớn, chưa có được sự quan tâm, đầu tư sâu sát từ các cơ quan, tổ chức và cộng đồng nếu so với lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế. Vai trò của các vấn đề pháp luật tư pháp quốc tế trong tiến trình hội nhập chưa được nhìn nhận đánh giá đầy đủ, thỏa đáng. Việt Nam đã có nhiều bài học kinh nghiệm đáng tiếc do sự yếu kém trong nhận thức về tư pháp quốc tế cũng như giải quyết tranh chấp quốc tế. Thực chất, đó là các vụ kiện liên quan đến tranh chấp kinh tế, thương mại quốc tế và gắn liền với tư pháp quốc tế (lựa chọn pháp luật áp dụng, chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết). Bên cạnh đó, Tòa án Việt Nam còn khá lúng túng khi thụ lý và giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài. Hoạt động tư vấn/tranh tụng trong giới luật sư Việt Nam liên quan tới pháp luật nước ngoài chưa phát triển. Đây là điểm yếu cần khắc phục dần dần đối với Việt Nam. Việc Việt Nam trở thành thành viên của Hội nghị, tham gia vào các hoạt động của Hội nghị theo đúng các “sứ mệnh” của Hội nghị đặt ra sẽ giúp góp phần tháo gỡ vấn đề.

- Để có thể tận dụng được những lợi ích và phát huy được vai trò thành viên chính thức khi tham gia Hội nghị, nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về tư pháp đòi hỏi Việt Nam phải có một ngũ cán bộ giỏi về tư pháp quốc tế, có trình độ ngoại ngữ, có kinh nghiệm hợp tác quốc tế tốt để tham gia vào các hoạt động của Hội nghị, đặc biệt là tham gia vào quá trình soạn thảo các văn kiện pháp lý của Hội nghị, tận dụng và phát huy được những lợi ích khi trở thành thành viên của Hội nghị. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ cán bộ về tư pháp quốc tế của Việt Nam còn thiếu về số lượng và chất lượng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Việt Nam chưa xây dựng được lực lượng cán bộ, chuyên gia nòng cốt, giỏi về tư pháp quốc tế. Hơn thế nữa, trình độ của đội ngũ cán bộ tham gia vào hoạt động hợp tác trong lĩnh vực tư pháp quốc tế nói chung và trong lĩnh vực tương trợ tư pháp cũng còn rất hạn chế, các kỹ năng cần thiết cho công việc như trình độ ngoại ngữ, tin học, khả năng đàm phán, kinh nghiệm và kỹ năng trong hoạt động hợp tác quốc tế vẫn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao.

- Khi tham gia Hội nghị La Hay, Việt Nam sẽ phải tự chi trả các chi phí để duy trì đầy đủ tư cách thành viên của mình như phải đầu tư ngân sách, nhân sự, thiết bị, văn phòng, phương tiện liên lạc v.v... để phục vụ cho các hoạt động thành viên của mình với Hội nghị; trả các chi phí đi lại và ăn ở cho các đại biểu tham gia các Phiên họp của Hội nghị, Hội đồng và Ủy ban Đặc biệt. Đây cũng là một vấn đề cần có sự thống nhất và đầu tư phù hợp để đảm bảo cho sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của Việt Nam vào hoạt động của Hội nghị.

 

PHỤ LỤC

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ HỘI NGHỊ LA HAY VỀ TƯ PHÁP QUỐC TẾ

1. Bối cảnh ra đời, thành lập

Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế là một thiết chế được hình thành từ năm 1893, theo sáng kiến của nhà luật học T.M.C. Asser (người đã được trao giải Nô-ben vì hoà bình năm 1911). Trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đã có 6 phiên họp của Hội nghị được tổ chức (vào các năm 1893, 1894, 1900, 1904, 1925 và 1928). Phiên họp thứ 7 của Hội nghị được tổ chức năm 1951 đã đánh dấu một kỷ nguyên mới, với sự ra đời của Hiến chương của Hội nghị La Hay có hiệu lực ngày 15/7/1955, Hội nghị La Hay chính thức trở thành một tổ chức quốc tế liên Chính phủ. Kể từ năm 1956, Hội nghị định kỳ 4 năm một lần tổ chức phiên họp toàn thể. Phiên họp lần thứ 21 được tổ chức năm 2007.

Hiện nay, tổ chức này gồm 72 thành viên từ mọi châu lục. Một điều đáng chú ý là kể từ  năm 2000, số lượng thành viên tham gia Hội nghị đã tăng lên gần gấp đôi. Chỉ tính riêng khu vực Châu Á, số lượng các quốc gia trở thành thành viên của Hội nghị đã lên tới 24 quốc gia.

2. Tầm nhìn, sứ mệnh hoạt động

Ngay từ khi thành lập, Hội nghị La Hay đã xác định tầm nhìn trong khuôn khổ hoạt động của mình bao gồm: hành động vì một thế giới trong đó các cá nhân, tổ chức mà cuộc sống và hoạt động của mình liên quan đến nhiều hệ thống pháp luật khác nhau được hưởng mức độ an toàn pháp lý cao; thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp một cách có trật tự và hiệu quả, quản trị tốt và pháp quyền, trong khi vẫn tôn trọng sự đa dạng của các truyền thống pháp luật.

Cùng với tầm nhìn trên, Hội nghị La Hay cũng đồng thời mang các sứ mệnh sau:

Thứ nhất, Hội nghị La Hay là một diễn đàn để các quốc gia thành viên xây dựng và thực hiện những quy tắc chung của tư pháp quốc tế nhằm điều phối mối quan hệ giữa các hệ thống tư pháp khác nhau trong bối cảnh quốc tế.

Thứ hai, thúc đẩy hợp tác tư pháp và hành chính trong lĩnh vực bảo vệ gia đình và trẻ em, thủ tục tố tụng dân sự và pháp luật thương mại.

Thứ ba, cung cấp dịch vụ pháp lý đạt tiêu chuẩn cao và trợ giúp kỹ thuật vì lợi ích của các quốc gia thành viên và các quốc gia ký kết các Công ước La Hay, cán bộ chính phủ, ngành tư pháp và những người hành nghề luật của những nước đó. 

Thứ tư, cung cấp thông tin chất lượng cao và dễ tiếp cận cho các quốc gia thành viên và các quốc gia ký kết các Công ước La Hay, cán bộ chính phủ, ngành tư pháp, những người hành nghề luật và công chúng nói chung.

3. Kết quả hoạt động

Từ năm 1893 đến năm 1904, Hội nghị đã thông qua 07 Công ước đa phương. Tuy nhiên, 7 Công ước này về sau đã được thay thế bằng những văn bản pháp lý hiện đại hơn.

Trong giai đoạn 1951-2008, Hội nghị đã thông qua 38 Công ước và 01 Hiến chương. Trước năm 1960, các Công ước chỉ được soạn thảo bằng tiếng Pháp nhưng sau đó các Công ước đã được xây dựng bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh.

Các Công ước của Hội nghị tập trung chính vào giải quyết 3 nhóm lĩnh vực của tư pháp quốc tế là: 1) Bảo vệ trẻ em, hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài, các quan hệ về tài sản gia đình; 2) Hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tố tụng; và 3) Luật thương mại quốc tế và tài chính quốc tế.

 Các Công ước của Hội nghị được nhiều nước tham gia nhiều nhất hiện nay là: Công ước miễn hợp pháp hóa giấy tờ công (Apostille); Công ước Tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp; Công ước Thu thập chứng cứ ở nước ngoài; Công ước Tiếp cận công lý; Công ước về Bắt cóc trẻ em trên phạm vi quốc tế; Công ước Con nuôi quốc tế; Công ước Xung đột pháp luật liên quan tới việc định đoạt tài sản theo di chúc; Công ước Các nghĩa vụ cấp dưỡng; Công ước về Công nhận ly hôn.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các vấn đề pháp lý đang được quan tâm thảo luận hiện nay là vấn đề xung đột quyền tài phán, luật áp dụng, hợp tác tư pháp và hành pháp quốc tế liên quan đến trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho môi trường; công nhận và cho thi hành các bản án của tòa trong các lĩnh vực thương mại, ngân hàng, tố tụng dân sự quốc tế và bảo vệ trẻ em trong các vấn đề hôn nhân; hòa giải xuyên biên giới trong các vấn đề gia đình; chọn luật áp dụng trong các hợp đồng quốc tế; thẩm quyền và việc công nhận các quyết định trong các vấn đề thừa kế khi chết và các vấn đề về tư pháp quốc tế liên quan tới hôn nhân thực tế; các vấn đề pháp luật xuyên quốc gia liên quan tới chứng khoán nắm giữ gián tiếp và lợi ích chứng khoán, trong đó đặc biệt tính tới các công việc mà các tổ chức quốc tế khác đã thực hiện v.v...

Quá trình soạn thảo và thực thi các Công ước của Hội nghị đã thu hút được một đội ngũ các chuyên gia pháp luật hàng đầu về tư pháp quốc tế của nhiều quốc gia thuộc mọi châu lục từ các truyền thống pháp luật khác nhau tham gia. Chính vì vậy, rất nhiều Công ước của Hội nghị La Hay đang là công cụ pháp luật hữu hiệu điều chỉnh những vấn đề về dân sự và thương mại có yếu tố nước ngoài của nhiều hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới. Thông qua đó, Hội nghị đã trực tiếp góp phần xây dựng và thực hiện những quy tắc chung của tư pháp quốc tế nhằm điều phối mối quan hệ giữa các hệ thống tư pháp khác nhau, góp phần thúc đẩy hợp tác tư pháp và hành chính trong lĩnh vực bảo vệ gia đình và trẻ em, thủ tục tố tụng dân sự và pháp luật thương mại trong bối cảnh quốc tế.

4. Cơ cấu tổ chức

Cơ cấu tổ chức của Hội nghị La Hay được quy định trong Hiến chương của Hội nghị La Hay có hiệu lực ngày 15/7/1955 và được sửa đổi ngày 01/01/2007. Theo quy định của Hiến chương, Hội nghị La Hay bao gồm các cơ quan chính sau:

-  Các phiên họp Ngoại giao gồm các phái đoàn của các nước thành viên, các quan sát viên từ các Quốc gia có quan tâm và các tổ chức quốc tế, thường được tổ chức định kỳ 4 năm để thông qua các Công ước và các Khuyến nghị;

- Ủy ban Tư pháp quốc tế thường trực của Chính phủ Hà Lan: Ủy ban này do Chính phủ Hà Lan thành lập vào năm 1897. Ủy ban này có nhiệm vụ tham vấn các thành viên về ngày của Phiên họp Ngoại giao và chủ trì các Phiên họp Ngoại giao. Hội đồng Thường vụ và chính sách nằm trong Ủy ban này có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các Công ước của Hội nghị La Hay.

-  Ủy ban Thường vụ và chính sách: họp định kỳ hàng năm vào tháng 4. Ủy ban có trách nhiệm về các hoạt động của Hội nghị La Hay, rà soát và quyết định mọi đề xuất về chương trình nghị sự của Hội nghị La Hay do các thành viên, các tổ chức quốc tế hay Ban thường trực đưa ra. Ủy ban này bao gồm các chuyên gia giỏi về tư pháp quốc tế do các nước thành viên cử.

- Các Ủy ban Đặc biệt bao gồm các chuyên gia giỏi của các nước thành viên hoặc quan sát viên từ các quốc gia quan tâm khác và các tổ chức quốc tế có nhiệm vụ soạn thảo Công ước mới.

-Ủy ban các Đại diện ngoại giao: bao gồm đại diện ngoại giao của mỗi nước thành viên. Ủy ban này họp định kỳ hàng năm vào tháng 7 để thông qua Ngân sách thường kỳ và hàng năm của Hội nghị La Hay.

- Ban Thường trực được tổ chức hết sức gọn nhẹ gồm có 01 Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký và 4 nhà ngoại giao và luật sư khác, có nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức cho các phiên họp, làm thư ký cho các cuộc họp của Hội nghị và làm nhiệm vụ liên lạc với các Cơ quan đầu mối quốc gia.

5. Điều kiện, thủ tục gia nhập

Điều kiện và thủ tục gia nhập Hội nghị La Hay được quy định trong Hiến chương Hội nghị La Hay. Theo Điều 2 và 3 của Hiến chương Hội nghị La Hay, để trở thành thành viên của Hội nghị La Hay, mỗi quốc gia phải đáp ứng các điều kiện sau: (1) là các nước đã tham gia vào một hoặc nhiều phiên họp của Hội nghị và chấp nhận Hiến chương của tổ chức này; (2) bất cứ Quốc gia nào khác mà “sự tham gia của Quốc gia đó có ý nghĩa quan trọng đối với Hội nghị, xét từ góc độ tư pháp” đều có thể trở thành Quốc gia thành viên của Hội nghị khi được đề xuất bởi một hoặc nhiều Quốc gia thành viên hiện tại của Hội nghị và sau đó được đa số các Quốc gia thành viên của Hội nghị bỏ phiếu thông qua trong vòng 6 tháng kể từ ngày đề xuất được gửi tới Chính phủ các Quốc gia thành viên. Việc tiếp nhận Quốc gia thành viên mới có hiệu lực khi thành viên đó chấp nhận tuân thủ Hiến chương của Hội nghị La Hay.

Trên thực tế hoạt động của Hội nghị, quy trình gia nhập Hội nghị của một quốc gia bao gồm 3 bước như sau:

Thứ nhất, quốc gia muốn gia nhập Hội nghị sẽ gửi một yêu cầu chính thức được gia nhập tổ chức bằng văn bản tới Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan - đây là văn bản duy nhất được yêu cầu từ quốc gia muốn gia nhập;

Thứ hai, các Quốc gia thành viên hiện tại của Hội nghị La Hay sau đó sẽ được mời bỏ phiếu thông qua tư cách thành viên của Quốc gia được đề xuất trong vòng 6 tháng kể từ ngày có yêu cầu; và

Thứ ba, nếu đa số các quốc gia thành viên Hội nghị bỏ phiếu tán thành, Tổng Thư ký sẽ chính thức thông báo kết quả này cho Quốc gia xin gia nhập Hội nghị. Quốc gia này phải nộp văn kiện chấp thuận tuân thủ Hiến chương của Hội nghị La Hay lên Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan. 

Chỉ sau khi đã hoàn tất toàn bộ 3 bước nói trên thì một Quốc gia xin gia nhập mới chính thức trở thành thành viên của Hội nghị La Hay. Thực tế trong lịch sử Hội nghị La Hay, chưa có trường hợp nào một Quốc gia thành viên hiện hữu phản đối việc gia nhập Hội nghị của một quốc gia xin gia nhập.

6. Quyền và nghĩa vụ của thành viên

a.  Các quyền lợi cơ bản của thành viên Hội nghị La Hay

Theo Quy định của Hiến chương, các quốc gia thành viên của Hội nghị La Hay được hưởng những quyền lợi cơ bản sau:

- Được tham gia quyết định chính sách, xây dựng các công ước hợp tác về các vấn đề tư pháp quốc tế và phương hướng tương lai của Hội nghị La Hay;

- Quyền bỏ phiếu: tham gia Hội nghị La Hay, các quốc gia sẽ có quyền bỏ phiếu hàng năm trong Hội đồng Thường vụ và chính sách của Hội nghị La Hay;

- Được mời tham dự mọi hoạt động, Phiên họp ngoại giao, Uỷ ban đặc biệt (có thể gửi chuyên gia), và nhận thông tin cập nhật về tất cả các công việc đang diễn ra tại Hội nghị La Hay;

- Được hưởng các dịch vụ hậu gia nhập bao gồm: hỗ trợ và xây dựng mạng lưới quốc tế các cơ quan trung ương; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia thành viên, được hưởng các dịch vụ đào tạo và hỗ trợ được đặt dưới sự bảo trợ của Trung tâm quốc tế về nghiên cứu tư pháp và hỗ trợ kỹ thuật (do Hội nghị La Hay thành lập).

c. Các nghĩa vụ của thành viên Hội nghị La Hay

- Nộp bản chấp nhận Hiến chương của Hội nghị sau khi được chấp thuận bằng biểu quyết đa số của các thành viên Hội nghị trong thời hạn 6 tháng. Đây không phải là nghĩa vụ theo quy định của Hiến chương nhưng là khuyến cáo của Ban Thường trực. Trên thực tế, một số nước xin gia nhập như Colombia, Zambia, Lebanon đã qua thời hạn 6 tháng kể từ khi các nước thành viên bỏ phiếu chấp nhận việc gia nhập vẫn chưa nộp bản chấp nhận Hiến chương của Hội nghị.

- Chỉ định Cơ quan Quốc gia. Theo Điều 7, Hiến chương Hội nghị La Hay, các nước thành viên sẽ phải chỉ định một Cơ quan Quốc gia làm đầu mối liên lạc với Hội nghị La Hay và Ban Thường trực của Hội nghị. Trên thực tế, các Quốc gia thường chọn một cơ quan trực thuộc Bộ ngoại giao (như Trung Quốc, Nga) hoặc Bộ Tư pháp (Nhật, Pháp) làm Cơ quan Quốc gia của mình. Việc chỉ định Cơ quan Quốc gia nhằm giúp cho Ban thường trực liên lạc trực tiếp với cơ quan này trong việc chuẩn bị và tổ chức các phiên họp và các cuộc họp, đồng thời là đầu mối để các Quốc gia thành viên liên lạc với nhau. Theo khuyến cáo của Ban Thường trực, quốc gia nên đưa tên cơ quan đầu mối ngay từ khi nộp đơn xin gia nhập Hội nghị La Hay để thể hiện sự sẵn sàng của mình khi xin gia nhập.

- Đóng niên liễm hàng năm (khoảng 6.000 Euro)

 cũng như trả các chi phí để duy trì đầy đủ tư cách thành viên của mình như phải đầu tư ngân sách, nhân sự, thiết bị, văn phòng, phương tiện liên lạc v.v... để phục vụ đầy đủ các hoạt động thành viên của mình với Hội nghị thông qua việc liên lạc trao đổi thông tin với Ban Thường trực và các Thành viên khác cũng như phải cử đại biểu tham gia các Phiên họp và buổi làm việc của Hội nghị La Hay.

Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp, thông tin từ La Hay – Hà Lan

Các tin đã đưa

-   Tiềm năng phát triển hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Hà Lan

-   Bộ trưởng Hà Hùng Cường thăm và làm việc tại Hà Lan từ 26-28/9/2012

-   Kết quả chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Ai Len của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường

-   Bộ Tư pháp Việt Nam - Bộ Tư pháp và Bình đẳng Ai Len: Ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực cải cách pháp luật và tư pháp

-   Hợp tác nuôi con nuôi Việt Nam – Ai Len mở ra chương mới cho giai đoạn hợp tác đa phương về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế

-   Bộ trưởng Hà Hùng Cường thăm và làm việc tại 3 nước Ai-Len, Hà Lan và CHLB Đức