Sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 52 của Thủ tướng: Dành hàng chục tỷ để hỗ trợ pháp lý cho các huyện nghèo

10/09/2012
Sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 52 của Thủ tướng: Dành hàng chục tỷ để hỗ trợ pháp lý cho các huyện nghèo
Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại 61 huyện nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Qua 2 năm triển khai Quyết định 52 đã góp phần tích cực vào ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo thuộc 21 tỉnh trong cả nước. Đây là đánh giá được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 2 năm thi hành Quyết định 52 do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây.

2 năm, được cấp gần 53 tỷ đồng

Có thể nói với Quyết định 52 thì việc ban hành chính sách hỗ trợ pháp lý cho các huyện nghèo thực sự là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, góp phần củng cố sự bền vững của hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) và hoạt động tư pháp cơ sở. Với tổng kinh phí được giao trong 2 năm 2011 – 2012 hơn 52,7 tỷ đồng, các Trung tâm TGPL đã tổ chức gần 1.100 đợt TGPL lưu động tại 1.078 xã nghèo; tại các xã của các huyện nghèo đã thành lập 856 Câu lạc bộ TGPL, duy trì sinh hoạt được trên 53 nghìn buổi; đã có 8.432 Tổ hòa giải được thành lập, hòa giải hàng triệu vụ việc.

Ngoài ra, các địa phương cũng chú trọng mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng, nghiệp vụ TGPL; bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho người thực hiện TGPL tại các huyện nghèo… Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã biên soạn, in ấn 10 loại tờ gấp pháp luật; cung cấp hơn 362 nghìn số Báo Pháp luật Việt Nam cho UBND cấp xã và Câu lạc bộ TGPL ở các xã thuộc các huyện nghèo; biên soạn và cấp phát miễn phí tài liệu pháp luật cho các Tổ hòa giải của các xã tại các huyện nghèo.

Chưa đạt được nhiều mục tiêu cụ thể

Tuy nhiên, tại Hội nghị sơ kết đánh giá 2 năm thi hành Quyết định 52, Phó Cục trưởng Cục TGPL Phạm Quang Đại thẳng thắn thừa nhận: Quá trình triển khai trong thực tiễn còn có những hạn chế, yếu kém như bố trí kinh phí chậm; một số hoạt động hỗ trợ không có tính khả thi; tỷ lệ giải ngân thấp; định mức hỗ trợ kinh phí không đủ để thực hiện sinh hoạt Tổ hòa giải, sinh hoạt Câu lạc bộ; năng lực cán bộ, trang thiết bị làm việc của các địa phương còn hạn chế; ngân sách tất cả các tỉnh có huyện nghèo thuộc diện được hỗ trợ chưa bố trí được nguồn kinh phí tương ứng…, dẫn đến nhiều mục tiêu cụ thể mà Quyết định 52 đã đặt ra chưa đạt được.

Vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả chính sách hỗ trợ pháp lý theo Quyết định 52, Bộ Tư pháp kiến nghị Bộ Tài chính tạo điều kiện bố trí kinh phí ngay từ đầu năm để Quỹ TGPL phân bổ kinh phí cho địa phương chủ động thực hiện. Về phía UBND các tỉnh có huyện nghèo, cần tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL để bảo đảm cho người dân các huyện nghèo thực sự được hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí có chất lượng tốt nhất…

Cẩm Vân