Giải pháp bứt phá của Tư pháp và Thi hành án Kon Tum

04/09/2012
Giải pháp bứt phá của Tư pháp và Thi hành án Kon Tum
Những ngày cuối tháng 8/2012, theo chân Bộ trưởng Tư pháp -Hà Hùng Cường về làm việc với tỉnh Kon Tum, chúng tôi mới thực sự thấu hiểu được hết những khó khăn, bất cập trong hoạt động Tư pháp (TP) và thi hành án dân sự  (THA) của vùng đất này…

Thách Thức 

Kon Tum là một tỉnh của Tây Nguyên nằm giáp biên giới Lào và Cam Pu Chia, vốn là vùng “đất rộng người thưa” với diện tích tự nhiên trải dài lên tới 9.614km2, địa hình hiểm trở, đồi núi chập chùng, đường sá đi lại  khó khăn, nhất là mùa mưa, nhưng dân số chỉ có hơn 460.000 người, 75% là đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác trong các buôn làng. Do vậy, đối với cán bộ TP và THA ở đây mỗi lần đi công tác về các xã vùng sâu, vùng xa là một lần vất vã, nhọc nhằn vì phải băng đèo, lội suối hàng chục cây số mới vào được tận nơi và phải ở lại từ 5 đến 7 ngày mới giải quyết xong vụ việc. 

Sở Tư pháp Kon Tum cho biết: Hiện nay, Sở chỉ có 22 biên chế, bằng ½ so với tỉnh Gia Lai, nhưng phải lo cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và trợ giúp pháp lý (TGPL) cho đồng bào 35 dân tộc nằm rải rác tại thành phố Kon Tum và 8 huyện: Đăk Lei, Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Plông, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Tu Mơ Rông. Khó khăn là vậy, song từ đầu năm đến nay, anh em đã cố gắng tổ chức được hơn 300 cuộc PBGDPL cho bà con các dân tộc với 160.059 lượt người tham dự; tổ chức 18 đợt TGPL lưu động dài ngày về các xã vùng sâu, vùng xa, giải quyết được 791 việc, 846 bà con được TGPL bằng  nhiều hình thức khác nhau.  

“Vượt lên chính mình”, đến nay Sở Tư pháp Kon Tum đã xây dựng được đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh gồm 99 người, cấp huyện gần 200 người và hàng trăm tuyên truyền viên cấp xã; 831/833 khu dân cư đã có tổ hòa giải với 5.765 hòa giải viên. Hàng năm Sở còn tổ chức từ 5-7 đợt tập huấn tuyên truyền pháp luật, hòa giải cơ sở và TGPL cho khoảng 1.000 người là báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Đáng ghi nhận là vừa qua, Sở Tư pháp đã tích cực giúp cho 1.066 bà con sinh sống ở vùng biên giới do điều kiện lịch sử mấy chục năm qua chưa có quốc tịch, nay đã được Nhà nước cho nhập quốc tịch để thực hiện các quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của công dân Việt Nam. 

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Tư pháp Kon Tum: Hiện công tác tư pháp tại địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, lung túng như: Đội ngũ cán bộ trực tiếp triển khai PBGDPL còn thiếu và hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ; nguồn kinh phí phục vụ cho công tác còn hạn hẹp. Số lượng biên chế cho các Phòng Tư pháp cấp huyện thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, nên chưa đáp ứng được yêu cầu công tác tư pháp với khối lượng công việc ngày càng nhiều. Tính ra mỗi Phòng Tư pháp cấp huyện chỉ có hơn…3 người. Còn cán bộ tư pháp- hộ tịch cấp xã kiêm nhiệm nhiều việc, quá tải, nên trong năm 2011 Sở Tư pháp Kon Tum đã tự xếp loại cho mình gần cuối bảng!. Nguyên nhân là Nhà nước “khoán biên chế”, quỹ lương theo tiêu chí dân số như vùng đồng bằng, mà chưa căn cứ vào địa bàn, lãnh thổ rộng hay hẹp, đường sá đi lại dễ dàng hay khó khăn. 

Đó là chưa nói cả tỉnh hiện chỉ có 1 Phòng Công chứng, 5 Luật sư/460.000 dân. Sở Tư pháp đã nhiều lần vận động mở thêm Văn phòng công chứng, Văn phòng Luật sư nhưng nhiều người lắc đầu, thở dài! 

Cục trưởng THA Kon Tum thì cho hay: Từ đầu năm đến nay đã cố gắng thi hành xong 1.548/1.855 việc có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ 83,45%. Về giá trị thi hành là 29.896.476.000 đồng, đạt tỉ lệ 63,37%. Tuy nhiên, số lượng án dân sự tồn đọng hiện vẫn còn nhiều. Nguyên nhân là do án chưa có điều kiện thi hành, vì đương sự không có tài sản, đang chấp hành án phạt tù, không xác định được địa chỉ đương sự; người được THA phải tự chứng minh tài sản của người bị THA; tình trạng thiếu cán bộ THA, các cơ quan THA hiện nay chưa xây dựng được khi vật chứng…Một vấn đề  bức xúc nữa đối với công tác THA địa phương là Tòa án tuyên những bản án không rõ ràng, không đầy đủ, nên THA gặp không ít khó khăn. Đó là chưa nói có vụ án phá rừng, sau khi khởi tố, cơ quan CA đã xin UBND tỉnh cho bán tang vật vụ án là gỗ. Đến khi Tòa tuyên án thì tang vật không còn để xử lý THA theo quy định của pháp luật!. 

Giải pháp

Giám đốc Sở Tư pháp Kon Tum Nguyễn Tấn Quyết cho rằng: Cần kịp thời sửa Luật THA vì xem ra quy định người được THA phải tự chứng minh tài sản của người bị THA, trong khi người được THA lại không thể được các cơ quan chức năng cung cấp thông tin về người bị THA thì rõ ràng là…đánh đố!. Đó chưa nói tình trạng án treo, cải tạo không giam giữ, trước đây giao cho UBND xã phường, nay giao về cho ngành CA, nhưng thực chất hiện nay không ai quản lý. Việc “khoán biên chế” theo dân số mà không tính toán đến địa bàn, lãnh thổ là bất hợp lý, cần phải kịp thời điều chỉnh.

Phó Chánh án TAND tỉnh Kon Tum thì đề nghị UBND tỉnh khi xử lý tang vật là gỗ trong các vụ án phá rừng cần đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, không nên cho bán tang vật nữa. Mặt khác, có vụ án có đã thi hành xong, nhưng chỉ vì một lỗi nhỏ trong tố tụng, VKSNDTC, TANDTC lại kháng nghị hủy toàn bộ án sơ thẩm, phúc thẩm để xét xử lại. Từ đó đã dẫn đến khó khăn cho không chỉ THA mà còn cho cả công dân, vì có người “gần đất xa trời” mà vẫn chưa được giải quyết.  

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Tư pháp-Hà Hùng Cường cho rằng: So với khu vực Tây Nguyên và cả nước thì công tác TP và THA của Kon Tum hiện nay còn nhiều khó khăn, bất cập. Bộ Trưởng kiến nghị cấp ủy và chính quyền địa phương nên sớm tăng cường nhân lực cho ngành Tư pháp địa phương bằng chế độ hợp đồng. Về kinh phí nếu có khó khăn Trung ương sẽ hỗ trợ bằng ngân sách theo Chương trình 30a của Chính phủ. Chính quyển địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về pháp luật, “kéo” Sở Tư pháp và các Phòng Tư pháp vào thẩm định văn bản pháp quy trước khi ban hành; cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước, khuyến khích “xã hội hóa” công tác tư pháp như Văn phòng công chứng, nhằm đảm bảo an toàn trong giao dịch cho nhân dân. Đề nghị HĐND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tăng cường việc giám sát các bản án và việc THA… 

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum-Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ cố gắng sắp xếp để có đủ biên chế và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để ngành TP và THA địa phương phát triển trong thời gian tới. Hi vọng rằng, đây sẽ là những “cú huých” để Kon Tum phát triển trong tương lai không xa./. 

Theo phapluatvn.vn