Sơ kết phong trào thi đua khen thưởng

17/08/2012
Sơ kết phong trào thi đua khen thưởng
Sáng nay – 17/8, ngành Tư pháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thi đua khen thưởng (TĐKT) năm 2012 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Lê Hồng Sơn và sự tham dự của đại diện Ban TĐKT TƯ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, các Cụm, Khu vực Thi đua của ngành. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức truyền hình trực tuyến đa phương tiện tại hai điểm cầu thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo về kết quả thực hiện các phong trào thi đua và công tác TĐKT, Vụ trưởng Vụ TĐKT Nguyễn Bá Yên cho biết, phong trào thi đua yêu nước với khẩu hiệu: “Toàn ngành Tư pháp ra sức thi đua về đích sớm các nhiệm vụ được giao” được các Cụm, khu vực thi đua, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp, Cục THADS nhiệt tình hưởng ứng với hơn 1.000 đơn vị và 2.250 cá nhân đăng ký các danh hiệu thi đua, đem lại những chuyển biến quan trọng trong nhiều lĩnh vực công tác.

Một số đơn vị đã lựa chọn cách làm điểm để triển khai tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”; nhiều đơn vị đã đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành nội dung sinh hoạt thường xuyền, gắn với phong trào “Về đích sớm”.

 

 

Cùng với đẩy mạnh phong trào thi đua, công tác khen thưởng cũng được chú trọng, kịp thời động viên phong trào, góp phần tạo khí thế, cổ vũ tinh thần cho toàn ngành thực hiện các công tác chuyên môn.

Tuy nhiên, qua kiểm tra một số đơn vị, ông Nguyễn Đình Tạp (thành viên Hội đồng TĐKT ngành Tư pháp) nhận xét, công tác TĐKT còn “nặng tính hình thức, thiên về “bề nổi” với các hoạt động gặp gỡ, ký kết chứ chưa đi sâu vào thực chất hoạt động”. Thậm chí, công tác khen thưởng ở nhiều Sở Tư pháp chưa “đến được” với các phòng Tư pháp, cán bộ Tư pháp cấp xã, không sáng tạo các hoạt động tổ chức thi đua theo thực tế địa phương, chưa gắn kết giữa các phong trào gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện, chưa gắn kết thi đua với khen thưởng, vẫn còn tình trạng “phong trào thi đua có “phát” nhưng không có “động”…

 

 

Trong những tháng cuối năm, ngành Tư pháp xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, quyết tâm “Về đích sớm”, lựa chọn mô hình điểm, một số công việc có ý nghĩa thiết thực và có điều kiện làm được để “góp phần xây dựng nông thôn mới”, tăng cường tuyên truyền, biểu dương gương “người tốt việc tốt” trong các lĩnh vực công tác tư pháp để làm nòng cốt đẩy mạnh các phong trào thi đua…

Đại diện các Cụm, khu vực thi đua đã thống nhất những giải pháp tăng hiệu quả công tác TĐKT. Đó là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và thủ trưởng đơn vị, vai trò của các tổ chức đoàn thể để phong trào thi đua trở thành hoạt động tự giác hàng ngày của các đơn vị, cá nhân; đổi mới cách thức tổ chức thi đua, hướng vào việc nâng cao hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn, kiên quyết chống biểu hiện tiêu cực, “bệnh thành tích” trong TĐKT…

 

 

Từ thực tiễn công tác TĐKT, đại diện các Cụm, khu vực thi đua đề nghị tổ chức lại khu vực thi đua theo hướng chia nhỏ (4-5 tỉnh/khu vực) để “có sự đánh giá sâu sát, tạo điều kiện cho các đơn vị đều có cơ hội được khen thưởng” như ý kiến của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai Trần Xuân Hiệp (Trưởng khu vực thi đua các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên). Còn Cục trưởng Cục THADS tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Dũng (Phó trưởng khu vực thi đua ĐBSCL) đề nghị xem xét lại thời điểm phát động thi đua tương thích với thời gian công tác (bắt đầu từ tháng 10 hàng năm), tăng chỉ tiêu thi đua để đảm bảo tính khả thi, công bằng cho các đơn vị…

 

 

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn đánh giá cao và ghi nhận những kết quả trong các phong trào thi đua và công tác TĐKT. Phong trào thi đua của Bộ, ngành ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy được vai trò công tác thi đua, tinh thần sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm, tạo động lực trong công việc. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu, nỗ lực, đổi mới, nhất là công tác khen thưởng vì nếu không làm tốt công tác khen thưởng thì không tạo được nhiệt tình trong thi đua.

Tiếp tục triển khai công tác TĐKT, các đơn vị phải xác định trọng tâm, trọng điểm trong công tác TĐKT, cố gắng xây dựng điển hình trong công tác; tập trung giúp đỡ, bồi dưỡng, hướng dẫn để có nhiều kết quả trong phong trào thi đua, ghi nhận được sự nỗ lực bền bỉ phấn đấu của các cá nhân, đơn vị, gắn kết phong trào thi đua giữa Bộ và địa phương nhằm tạo ra sự hài hòa, tránh trùng lắp… để công tác TĐKT có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực hơn nữa, đạt các mục tiêu đề ra.

H.Giang


Cục Công nghệ thông tin