Tăng cường các vị trí lãnh đạo, quản lý của cán bộ nữ

30/09/2015
Trong khuôn khổ Dự án USAID/GIG, Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội thảo tham vấn hoàn thiện Kế hoạch hoạt động bình đẳng giới trong ngành Tư pháp giai đoạn 2016 – 2020. Đây là hoạt động nhằm xác định rõ mục tiêu cần hướng đến trong nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới và trong bảo đảm quyền bình đẳng giới trong ngành Tư pháp, phù hợp với thực tiễn công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp.

Báo cáo tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Tiến Châu - Phó Trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Tư pháp cho biết giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Tư pháp đã nghiêm túc triển khai Kế hoạch hành động về bình đẳng giới đến toàn thể các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở Kế hoạch cả giai đoạn, hàng năm Bộ đều ban hành Kế hoạch trong năm và hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện và định kỳ báo cáo về Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Tư pháp. Công tác tuyên truyền và tập huấn về bình đẳng giới được Bộ xác định là hoạt động ưu tiên hàng đầu trong năm đầu tiên triển khai. Thông qua các hoạt động tập huấn, hội thảo, tọa đàm, nhận thức về bình đẳng giới trong đội ngũ công chức làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng như toàn bộ công chức trong Bộ, ngành Tư pháp đã nâng cao hơn so với trước.

Nhờ vậy, các mục tiêu bình đẳng giới và bảo đảm quyền bình đẳng giới trong ngành Tư pháp giai đoạn vừa qua đã đạt được một số kết quả. Nổi bật là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các đơn vị thuộc Bộ. Riêng về bổ nhiệm cán bộ, hiện Bộ Tư pháp có 29/154 lãnh đạo cấp Vụ là nữ, đạt tỷ lệ 19% (tăng 1,5% so với giai đoạn 2001 – 2010; có 173/312 lãnh đạo cấp Phòng là nữ, đạt tỷ lệ 55,4% (tăng 2,23% so với giai đoạn 2001 – 2010).

Để phát huy những kết quả này và khắc phục một số khó khăn, tồn tại, một trong những định hướng triển khai hoạt động bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ Tư pháp là phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức nữ trong việc thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; tăng cường sự tham gia của các công chức, viên chức nữ trong các vị trí lãnh đạo, quản lý và xây dựng đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Bên cạnh đó, ngành Tư pháp tiếp tục nâng cao nhận thức về hoạt động bình đẳng giới của công chức, viên chức trong ngành theo hướng xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cả hai giới trong việc thực hiện các hoạt động bình đẳng giới; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng và thực hiện hoạt động bình đẳng giới… Tán thành định hướng trên, các đại biểu dự Hội thảo cũng đã chia sẻ thực trạng và kinh nghiệm của địa phương, đơn vị mình trong việc bảo đảm quyền bình đẳng giới và đề xuất những giải pháp thực hiện trên thực tế.

Thục Quyên