Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 8/2024

15/08/2024
Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 8/2024
Sáng 15/8, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 8/2024. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại thành phố Hà Nội và kết nối trực tuyến tới hơn 2.000 điểm cầu trên cả nước với gần 75.000 đại biểu tham dự. Đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị tại Hà Nội. Dự Hội nghị, tại điểm cầu Bộ Tư pháp có đồng chí Đặng Hoàng Oanh – Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và đồng chí Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp.
Tại hội nghị, đồng chí Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin chuyên đề: “Tình hình kinh tế – xã hội 7 tháng năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội những tháng cuối năm 2024”. Theo đó, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình kinh tế xã hội 7 tháng cả nước khẳng định sự phục hồi rõ nét, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh nền kinh tế khu vực và thế giới.
 
Đồng chí Đặng Hoàng Oanh – Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và đồng chí Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Tư pháp.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Tư pháp.

Tăng trưởng kinh tế quý II đạt gần 7% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đạt trên 6%. Chỉ số CPI 07 tháng tăng trên 4% so với cùng kỳ, trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội từ 4 đến 4,5%; tăng lương cơ sở nhưng lạm phát tăng không đáng kể.
Đến nay, cả nước có hơn 2.000 km đường cao tốc được đưa vào khai thác. FDI đăng ký mới đạt gần 10,8 tỷ USD, tăng 35,6%. Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được tập trung triển khai quyết liệt. Trong đó, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản từ ngày 01/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với thời gian có hiệu lực ban đầu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều khó khăn khách quan và chủ quan ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta. Trong đó phải kể đến một số yếu tố tác động đến động lực tăng trưởng kinh tế cả nước như: chi phí sản xuất của khu vực nông nghiệp, dịch vụ tăng cao; sản xuất công nghiệp còn phụ thuộc vào các thị trường lớn; đầu tư phục hồi còn chậm; sức mua trong nước mặc dù đã có dấu hiệu khởi sắc hơn, nhưng tính chung 07 tháng vẫn tăng thấp; doanh nghiệp đối mặt với áp lực cạnh tranh gia tăng ở cả thị trường trong nước và thế giới; áp lực lạm phát còn lớn, cần được theo dõi sát để có giải pháp chủ động, kịp thời, nhất là trong những tháng cuối năm. Biến đổi khí hậu, thiên tai,… diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại nặng nề, tác động sâu sắc đến nền kinh tế và đời sống xã hội.
Trong bối cảnh chung này, công tác tuyên giáo cũng đặt ra nhiều đòi hỏi trong đổi mới phương thức tuyên truyền, hướng đến nội dung cốt lõi, có trọng tâm, trọng điểm đối với đội ngũ báo cáo viên các cấp, nhằm hướng đến quyết tâm, nỗ lực cao nhất cùng với các ngành, các cấp phấn đấu đạt chỉ tiêu kinh tế xã hội quan trọng trong năm 2024.
Hội nghị cũng được nghe thông tin chuyên đề: “Tình hình tôn giáo, tín ngưỡng và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở nước ta hiện nay; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới”.
 
Thu Nga