Ngày 19/7/2024, thay mặt Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Công văn số 825-CV/BCSĐ gửi Ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).
Trên cơ sở đánh giá khái quát những kết quả đạt được và một số hạn chế trong công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL theo thẩm quyền, trách nhiệm tại các cơ quan cấp bộ và cấp tỉnh, cũng như yêu cầu thực hiện các công tác này trong thời gian tới, tại Công văn số 825-CV/BCSĐ, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã đề nghị Ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản QPPL, cụ thể như sau:
1. Quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện đúng nhiệm vụ “Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước”; “Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong công tác xây dựng pháp luật” theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”; các văn bản chỉ đạo, điều hành, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, như: Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế (theo Thông báo số 273/TB-VPCP ngày 22/10/2021 của Văn phòng Chính phủ); Công văn số 301/TTg-PL ngày 06/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng thể chế, pháp luật.
2. Nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra văn bản QPPL do mình ban hành và kiểm tra văn bản QPPL theo thẩm quyền, trong đó chú trọng kiểm tra văn bản QPPL thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý có tính chất nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư, kinh doanh, xây dựng, tài chính…
3. Xử lý dứt điểm, đúng quy định văn bản có quy định trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL, thông tin kịp thời tình hình, kết quả thực hiện về Bộ Tư pháp để theo dõi, tổng hợp theo quy định.
4. Thường xuyên rà soát văn bản QPPL theo trách nhiệm để phát hiện, tự xử lý hoặc kiến nghị xử lý văn bản có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hạn chế, bất cập, không phù hợp và cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác văn bản QPPL thuộc thẩm quyền trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo đúng quy định pháp luật.
5. Nâng cao chất lượng nhân lực, bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho công tác kiểm tra, rà soát văn bản để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, gắn với việc củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế theo Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan với tổ chức pháp chế, sở tư pháp, phòng tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch trong công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL.
6. Thực hiện nghiêm quy định về xem xét, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan trong việc tham mưu, ban hành văn bản trái pháp luật, không xử lý văn bản trái pháp luật đã được kết luận và các vi phạm khác trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản.
Nghiên cứu đưa công tác xây dựng pháp luật nói chung và công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL nói riêng vào nội dung lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát của Ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương để tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Với những nội dung quan trọng nêu trên, Công văn số 825-CV/BCSĐ ngày 19/7/2024 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục củng cố, tạo chuyển biến căn bản, lâu dài cho công tác kiểm tra, rà soát văn bản tại các bộ, ngành, địa phương, góp phần thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các định hướng, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, trong đó có hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật./.
H.Hà - Cục Kiểm tra văn bản QPPL