Nâng cao vai trò của phụ nữ Tư pháp trong xây dựng và thực thi pháp luật

08/12/2021
Nâng cao vai trò của phụ nữ Tư pháp trong xây dựng và thực thi pháp luật
Sáng ngày 08/12, Bộ Tư pháp phối hợp UN Women tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Vai trò của phụ nữ Tư pháp trong xây dựng và thực thi pháp luật - kinh nghiệm của các nước ASEAN”. Tọa đàm được tổ chức dưới sự chủ trì của đồng chí Khương Thị Thanh Huyền - Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp và Bà Gaelle Demolis - Quyền Trưởng đại diện cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women).
Tọa đàm còn có sự tham dự của hơn 50 đại biểu từ Công đoàn Bộ Tư pháp, đại diện Công đoàn của các Bộ: Nội vụ, Văn hóa Thể thao và du lịch, Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên Môi trường, Lao động thương binh và xã hội, Ngoại giao, Khoa học Công nghệ…; đại diện Lãnh đạo và phụ trách nữ công của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và một số Sở Tư pháp, Cục THADS địa phương và một số trung tâm trợ giúp pháp lý.
Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, bà Khương Thị Thanh Huyền khẳng định: Là một cơ quan về xây dựng pháp luật và thực hiện nhiều nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, Bộ Tư pháp đã có nhiều đóng góp tích cực vào thực hiện các chủ trương, chính sách của Việt Nam về nâng cao vai trò của phụ nữ trong mọi mặt đời sống xã hội, trong đó, với phụ nữ ngành tư pháp đóng một vai trò quan trọng. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ ngành tư pháp nói chung và cho cán bộ nữ ngành tư pháp nói riêng về những vấn đề mới đặt ra từ yêu cầu của thực tiễn, đặt biệt từ các cam kết quốc về bình đẳng giới, về vai trò của phụ nữ trong giải quyết các vấn đề an nình, hòa bình để có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của Ngành luôn được quan tâm.
 

 
Nhắc lại ý nghĩa Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy triển khai Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS): Vai trò của các Chương trình Hành động Quốc gia (NAP)” được Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp UN Women tổ chức vào ngày 07/12, bà Gaelle Demolis nhấn mạnh: Tọa đàm hôm nay cũng sẽ hướng tới mục tiêu quan trọng là nhằm trao đổi, thảo luận để tìm ra cơ chế đưa Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh vào quá trình xây dựng luật pháp; đồng thời, tìm hiểu sâu hơn về vai trò của phụ nữ ngành Tư pháp trong xây dựng và thực thi pháp luật, đặc biệt là tới đây hỗ trợ việc sửa đổi Luật Bình đẳng giới…
Tọa đàm đã thảo luận nhiều chủ đề với nội dung quan trọng, như: Giới thiệu Báo cáo khu vực của ASEAN về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS). Báo cáo này tổng hợp các thực tiễn và bài học kinh nghiệm tốt về WPS, gồm cả các khuyến nghị quan trọng xuất phát từ kinh nghiệm và bối cảnh của ASEAN.
 

 
Đồng thời, Tọa đàm cũng thảo luận về một số nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Tư pháp có liên quan đến việc thực hiện các vấn đề được đề cập tại Báo cáo Khu  vực của ASEAN về WPS như: Vai trò của cán bộ nữ ngành tư pháp trong việc thực hiện các khuyến nghị được đề  xuất tại Báo cáo khu vực về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS); Bảo đảm quyền và lợi ích của phụ nữ trong công tác xây dựng văn bản QPPL; Bảo đảm quyền tiếp cận công lý cho nhóm đối tượng yếu thế thông qua công tác TGPL; Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ trong Thi hành án dân sự; Vấn đề về hoạt động bình đẳng giới trong xây dựng nguồn cán  bộ nữ của ngành tư pháp; Sửa đổi Luật Bình đẳng giới trong mối quan hệ với các yêu cầu về giới trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tất cả các chủ đề này đều hướng tới mục tiêu chung là nâng cao vai trò của phụ nữ Tư pháp trong xây dựng và thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế quốc tế nói chung và trong việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự WPS nói riêng .
Buổi hội thảo cũng sẽ là một không gian mở để chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ các Bộ, Ngành, địa phương, chuyên gia độc lập, qua đó các đại biểu có thể đặt các câu hỏi, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ đó góp phần nâng cao vai trò của công chức nữ ngành Tư pháp trong trong xây dựng và thực thi pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
 

Toàn cảnh Tọa đàm