Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước

27/07/2021
Đây là mục tiêu của Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đoạn 2021 – 2030, mục tiêu tổng quát là xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khỏe và lối sống lành mạnh; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ. Phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế. Phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hướng tới 6 mục tiêu cụ thể: 
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; cung cấp thông tin về tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho thanh niên
Hằng năm, 100% thanh niên trong lực lượng vũ trang, thanh niên là cán bộ, công chức, viên chức được tuyên truyền, phổ biến, học tập nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hằng năm, 100% thanh niên là học sinh, sinh viên, 80% thanh niên công nhân, 75% thanh niên nông thôn, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được trang bị kiến thức về quốc phòng và an ninh.
Đến năm 2030, trên 70% thanh niên được tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật thông qua các ứng dụng pháp luật trực tuyến, mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng.
Giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng; tạo điều kiện để thanh niên bình đẳng về cơ hội học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo
Hằng năm, 100% thanh niên là học sinh, sinh viên được giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật, kỹ năng sống và kỹ năng mềm.
Đến năm 2030, 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ trung học phổ thông và tương đương; 70% thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt trình độ trung học cơ sở.
Đến năm 2030, tăng 15% số thanh niên được ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống; tăng 15% số công trình khoa học và công nghệ do thanh niên chủ trì; tăng 10% số thanh niên làm việc trong các tổ chức khoa học, công nghệ (so với năm 2020).
Hằng năm, có ít nhất 20% thanh niên làm báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số và tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật; phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ 100%.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho thanh niên; phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao
Hằng năm, 100% học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giáo dục hướng nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; 100% sinh viên các trường đại học, cao đẳng được trang bị kiến thức về hội nhập quốc tế và chuyển đổi số.
Hằng năm, 30% số ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên là học sinh, sinh viên được kết nối với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp.
Đến năm 2030, phấn đấu 80% thanh niên được tư vấn hướng nghiệp và việc làm; 60% thanh niên được đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, ưu tiên việc làm tại chỗ. Hằng năm, có ít nhất 700.000 thanh niên được giải quyết việc làm.
Đến năm 2030, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở đô thị dưới 7%; tỷ lệ thanh niên thiếu việc làm ở nông thôn dưới 6%.
Đến năm 2030, có ít nhất 70% thanh niên là người khuyết tật, người nhiễm HIV, người sử dụng ma túy, thanh niên là nạn nhân của tội phạm buôn bán người, thanh niên vi phạm pháp luật được bồi dưỡng kỹ năng sống, lao động và hòa nhập cộng đồng. Phấn đấu tạo việc làm ổn định cho trên 50% thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; 20% thanh niên là người khuyết tật, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện, sau cải tạo, thanh niên là người Việt Nam không có quốc tịch.
Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho thanh niên
Hằng năm, trên 70% thanh niên được trang bị kiến thức, kỹ năng rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe; chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, sức khỏe tâm thần; dân số và phát triển; bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục; HIV/AIDS và các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS (trong đó: tỷ lệ thanh niên là học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục đạt 100%; tỷ lệ thanh niên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt trên 90%).
Hằng năm, trên 60% thanh niên được cung cấp thông tin và tiếp cận các dịch vụ thân thiện về tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; 90% cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; 100% nữ thanh niên được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng tránh vô sinh và hỗ trợ sinh sản.
Hằng năm, 100% thanh niên là học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe ban đầu; trên 90% thanh niên công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất được khám sức khỏe và chăm sóc y tế định kỳ.
Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên
Hằng năm, trên 80% thanh niên ở đô thị; 70% thanh niên ở nông thôn; 60% thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, hoạt động sinh hoạt cộng đồng ở nơi học tập, làm việc và cư trú.
Đến năm 2030, ít nhất 50% thanh niên sử dụng thành thạo các phương tiện kĩ thuật số phục vụ mục đích giao tiếp, truyền thông, kinh doanh trên nền tảng kinh tế số.
Phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc
Hằng năm, 100% thanh niên trong độ tuổi quy định của pháp luật, có đủ năng lực hành vi dân sự sẵn sàng tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự và lực lượng dân quân tự vệ.
Đến năm 2030, phấn đấu 20% thanh niên trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được đưa vào quy hoạch lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng và tương đương; 15% thanh niên trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Hằng năm, 100% tổ chức Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam các cấp và các tổ chức khác của thanh niên được thành lập theo quy định của pháp luật phát động phong trào và huy động thanh niên hưởng ứng, tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, xã hội; phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Chương trình cũng nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện, trong đó có giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thanh niên, cụ thể:
Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền các chính sách, pháp luật về thanh niên trên cơ sở Luật Thanh niên năm 2020, pháp luật có liên quan, các điều ước, thỏa thuận khu vực và quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết;
Đổi mới cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực phát triển thanh niên; chú trọng các chính sách đặc thù hỗ trợ nhóm thanh niên dễ bị tổn thương, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng tài năng trẻ trong nước và tài năng trẻ đang công tác, học tập, sinh sống ở nước ngoài về tham gia xây dựng và phát triển đất nước;
Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút thanh niên có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, thanh niên tình nguyện đến công tác tại khu kinh tế - quốc phòng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
8 nhiệm vụ, giải pháp
Chương trình nêu lên 8 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện:
Một là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp: Theo đó, tăng cường phổ biến, quán triệt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thanh niên đến các cấp, các ngành, bảo đảm thống nhất về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị trong việc chăm lo, bồi dưỡng và phát triển toàn diện thanh niên; Chú trọng giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật, trách nhiệm của thanh niên đối với bản thân, gia đình và xã hội. Kết hợp chặt chẽ giáo dục pháp luật với giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa; lịch sử, truyền thống và ý thức tự tôn dân tộc; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại;
Hai là: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thanh niên: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền các chính sách, pháp luật về thanh niên trên cơ sở Luật Thanh niên năm 2020, pháp luật có liên quan, các điều ước, thỏa thuận khu vực và quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết; Đổi mới cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực phát triển thanh niên; chú trọng các chính sách đặc thù hỗ trợ nhóm thanh niên dễ bị tổn thương, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng tài năng trẻ trong nước và tài năng trẻ đang công tác, học tập, sinh sống ở nước ngoài về tham gia xây dựng và phát triển đất nước; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút thanh niên có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, thanh niên tình nguyện đến công tác tại khu kinh tế - quốc phòng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
Ba là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật
Bốn là: Tăng cường cung cấp dịch vụ, hoạt động hỗ trợ thanh niên
Năm là: Nhà nước bảo đảm nguồn lực để tổ chức thực hiện Chiến lược, trong đó, bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên, kinh phí triển khai các nhiệm vụ, đề án, dự án phát triển thanh niên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với tình hình mới của các bộ, ngành, địa phương và phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; Bên cạnh đó là đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp trong nước và ngoài nước để triển khai thực hiện Chiến lược; tạo điều kiện duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Sáu là: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thực hiện Chiến lược
Bảy là: Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chiến lược
Tám là: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức đoàn thể và thanh niên.