Bộ Tư pháp ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII

08/07/2021
Bộ Tư pháp ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Nghị quyết số 50/NQ-CP), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1116/QĐ-BTP ngày 7/7/2021 ban hành Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Chương trình hành động).
Theo đó, Bộ Tư pháp xác định, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Nghị quyết Đại hội XIII) là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Bộ, ngành; là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu tổ chức thực hiện chương trình quyết liệt, khoa học; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, kịp thời khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích và chấn chỉnh những lệch lạc.  
Nội dung Chương trình hành động của Bộ Tư pháp tập trung cụ thể hóa quan điểm, đường lối, định hướng, nội dung liên quan của Nghị quyết Đại hội XIII thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp. Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, 41 đề án, nhiệm vụ đã được đề cập trong Chương trình hành động của Bộ Tư pháp. Các đề án, nhiệm vụ được nêu trong Chương trình hành động đều được nêu rõ lộ trình triển khai thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể. Trong số các đề án, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII nêu trên, 03 đề án đã được Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp tại Nghị quyết số 50/NQ-CP đó là: (1) Đề án tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (phần nội dung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật) được thực hiện theo kế hoạch riêng, thời gian thực hiện 2021 - 2025; (2) Đề án tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân được giao cho Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật chủ trì, thời gian thực hiện 2022 - 2025; (3) Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 được giao cho Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế chủ trì, thời gian thực hiện 2021 - 2022. Bên cạnh đó, căn cứ vào các nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Chương trình hành động, nhiều đề án, nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tư pháp đã được cụ thể hóa, phân công trách nhiệm cho từng đơn vị thuộc Bộ và đề ra lộ trình thực hiện phù hợp.
Về tổ chức thực hiện Chương trình hành động, Bộ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các đề án, nhiệm vụ quy định tại Phụ lục kèm theo Chương trình hành động khẩn trương lập kế hoạch, lồng ghép với các kế hoạch hoạt động liên quan khác và tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ. Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học pháp lý làm đầu mối theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình này. Trong quá trình tổ chức thực hiện chủ động báo cáo, kiến nghị với Bộ trưởng về các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo Chương trình hành động được thực hiện hiệu quả. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với Viện Khoa học pháp lý trong quá trình thực hiện Chương trình hành động này; thực hiện chế độ báo cáo theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chính phủ. Trước đó, ngày 21/6/2021, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động số 10-Ctr/BCS thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
Thu Hương