Ngày 21/6/2021, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp vừa ban hành Chương trình hành động số 10-Ctr/BCS về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Chương trình hành động của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã thể hiện rõ những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để cụ thể hóa quan điểm, đường lối, định hướng, nội dung liên quan của Nghị quyết Đại hội XIII thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn của Bộ, ngành Tư pháp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trong quá trình thực hiện Chương trình hành động, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp yêu cầu các cấp ủy Đảng trực thuộc Đảng ủy Bộ, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị thuộc Bộ nghiêm túc quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai thực hiện.Xác định đúng, đầy đủ, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu của Bộ, ngành Tư pháp, bảo đảm tính toàn diện và đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Đảm bảo tính khả thi trong phân công thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với đặc thù về tổ chức, hoạt động và chức năng của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được phân công;đồng thời bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, có hiệu quả giữa Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trong hệ thống chính trị, giữa cấp ủy, chính quyền các đơn vị thuộc Bộ, ngành Tư pháp. Tổ chức thực hiện chương trình quyết liệt, khoa học, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, kịp thời khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích và chấn chỉnh những lệch lạc;điều chỉnh hợp lý các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể hóa trong chương trình, kế hoạch công tác nhiệm kỳ và hàng năm.
Tám nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp đã được đề cập đến trong Chương trình hành động, đó là:
(1) Tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, phổ biến nội dung của
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
(2) Nâng cao vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong việc tham mưu với Quốc hội, Chính phủ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới
(3) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, giảm thiểu rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với xã hội, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp
(4) Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính, tiếp tục giảm án tồn, đồng thời nâng cao tỷ lệ thi hành xong hoàn toàn về việc và về tiền, rút ngắn thời gian thi hành án dân sự;
(5) Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, tiếp tục phát triển các dịch vụ pháp lý, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống tư pháp, khả năng tiếp cận công lý của người dân, doanh nghiệp;
(6) Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp;
(7) Nâng cao hiệu quả công tác pháp luật quốc tế, tăng cường vai trò của Bộ Tư pháp giúp Chính phủ, các bộ, ngành địa phương trong xử lý các vấn đề pháp lý quốc tế phát sinh từ quá trình hội nhập; chủ động, tích cực và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp;
(8) Tăng cường công tác xây dựng Bộ, ngành, đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học pháp lý;
Chương trình hành động là căn cứ để các cấp ủy Đảng trực thuộc Đảng ủy Bộ Tư pháp, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng của cơ quan, đơn vị mình, gắn với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị bảo đảm khả thi, thiết thực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, một số giải pháp chủ yếu để Bộ, ngành Tư pháp thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã được nêu trong Chương trình hành động đó là: Tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng một cách toàn diện, đồng bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đảng viên trong toàn Ngành, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong Ngành tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương pháp lãnh đạo, điều hành; chỉ đạo tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị trong ngành; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác; Đẩy mạnh kiện toàn tổ chức bộ máy, tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, cải tiến lề lối làm việc để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, hoạch định chính sách, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước giai đoạn mới; Tăng cường ứng dụng các công cụ quản lý, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và thi đua - khen thưởng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí của ngành trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, định hướng dư luận, củng cố đồng thuận xã hội, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của Bộ, ngành Tư pháp. Phát huy vai trò của các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội cựu chiến binh của các cơ quan, đơn vị trong Ngành trong việc tổ chức các hoạt động đi vào chiều sâu,thực chất hơn nhằm khích lệ, động viên tinh thần cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
Dương Thu Hương