Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp - 25 năm một chặng đường

15/09/2020
Nhận thức sâu sắc về vai trò của đội ngũ công chức, viên chức nữ, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp. Trên cơ sở hướng dẫn của Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, ngày 24/1/1995, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 13/QĐ-BTP thành lập Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Tư pháp (Ban VSTBPN) và trở thành một trong những Bộ, ngành Trung ương đầu tiên thành lập tổ chức tham mưu về công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Kể từ ngày đầu thành lập tới nay, Ban VSTBPN ngành Tư pháp đã nhiều lần được kiện toàn theo yêu cầu công tác và hiện nay Ban có 18 thành viên do một đồng chí Thứ trưởng làm Trưởng ban, thành viên là đại diện lãnh đạo của các đơn vị thuộc Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên những lĩnh vực tư pháp tác động trực tiếp tới quyền, lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái. Ban có Tổ thư ký giúp việc, cơ quan thường trực là Vụ Tổ chức cán bộ và có đầu mối phối hợp là Ban VSTBPN được thành lập tại các đơn vị thuộc Bộ, trong Hệ thống thi hành án dân sự và 63/63 Sở Tư pháp.
Trải qua chặng đường hơn 25 năm hoạt động, Ban VSTBPN ngành Tư pháp luôn thực hiện tốt vai trò tham mưu giúp Bộ trưởng chỉ đạo thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ trong toàn ngành Tư pháp và đã gặt hái nhiều thành công, được Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền ghi nhận. Một trong những kết quả nổi bật của Ban là đã tham mưu lồng ghép giới hiệu quả vào quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế của Bộ, ngành Tư pháp, tạo cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong đời sống xã hội. Tính riêng trong giai đoạn 2010-2020, Bộ Tư pháp đã chủ trì soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành khoảng 300 đề án, văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo 100% văn bản được xem xét, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, trong đó có những văn bản quy phạm pháp luật tác động trực tiếp tới quyền, lợi ích của phụ nữ như Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật trợ giúp pháp lý, Luật hôn nhân và gia đình, Luật quốc tịch, Luật phổ biến giáo dục pháp luật, Luật hòa giải cơ sở... Đặc biệt, việc tham mưu thành công với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung) với tính chất là luật về làm luật đã đặt ra nguyên tắc và nhiều quy định cụ thể bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mở ra không gian rộng lớn cho sự tham gia, phản biện, giám sát của các tầng lớp nhân dân, trong đó có phụ nữ và các tổ chức chính trị xã hội đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ vào quá trình xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật của đất nước hướng tới mục tiêu minh bạch, hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm bình đẳng nam nữ.
 Đồng bộ với quá trình lồng ghép vấn đề giới trong xây dựng và ban hành văn bản quy  phạm pháp luật, Ban VSTBPN ngành Tư pháp đã chú trọng tham mưu nâng cao hiệu quả thực thi các quy định về bình đẳng giới trong thực tiễn, nhất là những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, Ngành như quốc tịch, hộ tịch, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở, quản lý xử lý vi phạm hành chính, bồi thường nhà nước, thi hành án dân sự, nuôi con nuôi quốc tế... Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới trong những năm qua được thực hiện thường xuyên và ngày càng bài bản từ trung ương tới địa phương với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò của phụ nữ và quyền bình đẳng của phụ nữ. Công tác trợ giúp pháp lý mang tính nhạy cảm giới đã góp phần nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý cho phụ nữ nghèo, phụ nữ thuộc đối tượng chính sách, yếu thế, giúp họ nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, tự bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật. Công tác giải quyết nuôi con nuôi đã quán triệt nguyên tắc bình đẳng giới với mục tiêu vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, không có sự phân biệt đối xử giữa trẻ em gái và trẻ em trai trong quá trình giải quyết nuôi con nuôi trong nước và nước ngoài. Công tác quốc tịch, hộ tịch hướng tới mục tiêu 100% trẻ em sinh ra được đăng ký khai sinh, lành mạnh hóa việc kết hôn có yếu tố nước ngoài, góp phần hạn chế, phòng chống hành vi lợi dụng việc kết hôn để mua bán phụ nữ. Việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái luôn được quan tâm, nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp đã được tổ chức thi hành dứt điểm.
Công tác vì sự tiến bộ của đội ngũ công chức, viên chức nữ của Bộ Tư pháp đạt nhiều kết quả ấn tượng. Nguyên tắc bình đẳng giới đã được quán triệt, thể chế hóa trong nhiều văn bản chỉ đạo, quy chế, quy định của Bộ, điển hình như Chỉ thị số 02/2001/CT-BTP ngày 27/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tăng cường hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp; Kế hoạch số 41-KH/BCS ngày 02/5/2012 về điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2012-2015 và xây dựng quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016-2021 của Bộ Tư pháp, yêu cầu tỷ lệ cán bộ nữ đạt tối thiểu 20-30% ở mỗi chức danh quy hoạch; Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển công chức, viên chức của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 328/QĐ-BTP ngày 1/3/2018 đã có những quy định bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ và am giới; các Chiến lược, Kế hoạch hành động vì bình đẳng giới ngành Tư pháp đều quy định rõ chỉ tiêu định lượng và nhiệm vụ bảo đảm quyền bình đẳng của công chức, viên chức nữ của Bộ, ngành Tư pháp… Với quyết tâm chính trị nêu trên, trong các nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Tư pháp luôn có 01 đồng chí Thứ trưởng là nữ. Tỷ lệ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của Bộ Tư pháp tăng và đạt 32% cấp vụ và 61% ở cấp phòng tính đến hết năm 2019. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng các đơn vị thuộc Bộ đạt 49% trong nhiệm kỳ 2020-2025. Tỷ lệ nữ tham gia Ban chấp hành Công đoàn Bộ Tư pháp đạt 45%; tham gia Ban chấp hành công đoàn cơ sở và tổ công đoàn đạt 65%, trong đó nữ giữ vị trí chủ tịch công đoàn cấp cơ sở đạt tỷ lệ 59% nhiệm kỳ 2020-2023. Tỷ lệ nữ được đưa vào quy hoạch lãnh đạo trong các giai đoạn gần đây của Bộ luôn đạt trên 30% đối với cấp vụ và trên 60% đối với cấp phòng trong mỗi chức danh quy hoạch. Tỷ lệ nữ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng của Bộ luôn đạt từ 60-70% trong tổng số học viên. Tỷ lệ nữ công chức trẻ được đưa vào danh sách quy hoạch đào tạo trình độ chuyên môn sâu giai đoạn 2014-2020 chiếm trên 80%. Tỷ lệ nữ có trình độ tiến sỹ của Bộ chiếm 49% trong tổng số công chức, viên chức có trình độ tiến sỹ; tỷ lệ nữ có trình độ thạc sỹ chiếm 67% trong tổng số công chức, viên chức có trình độ thạc sỹ. Tỷ lệ nữ công chức, viên chức giữ ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương đạt 35,6% và ngạch chuyên viên chính đạt 54,4%.  Ban VSTBPN ngành Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Công đoàn Bộ, tham mưu với Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tư pháp thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao đời sống tinh thần và thể chất cho công chức, viên chức, người lao động nữ. Các chế độ thai sản, khám chữa bệnh, ưu đãi người có công, ưu đãi đối với công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, hỗ trợ người có hoàn cảnh gia đình khó khăn... đều được thực hiện kịp thời, khách quan, chặt chẽ trên cơ sở quy định của pháp luật và các quy chế nội bộ.
Để có được những thành công hôm nay, trước hết là nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của các thế hệ cán bộ Lãnh đạo của Bộ, ngành Tư pháp. Từ nhận thức sớm và đầy đủ về vấn đề giới, các đồng chí Lãnh đạo Bộ đã luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, hành động trách nhiệm, quyết liệt và cụ thể nhằm đưa vấn đề giới vào mọi lĩnh vực quản lý nhà nước theo thẩm quyền được giao, từng bước tạo cơ sở pháp lý vững chắc và tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ được tiếp cận và thụ hưởng bình đẳng mọi thành quả của công cuộc cách mạng trong đời sống thực tiễn. Đội ngũ công chức trực tiếp tham mưu, tổ chức thực hiện công tác bình đẳng giới tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành Tư pháp là những người có năng lực, trình độ, tâm huyết với công tác bình đẳng giới, nhờ vậy, các hoạt động đã được tổ chức một cách đồng bộ, toàn diện, hiệu quả trong toàn Ngành.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ trong thời gian tới, Ban VSTBPN ngành Tư pháp xác định một số định hướng và giải pháp thực hiện cụ thể như:
1. Tổ chức thực hiện tốt Luật Ban hành VBQPPL và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL để đảm bảo thực hiện thống nhất quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các lĩnh vực quản lý của các cơ quan có thẩm quyền.
2. Kết hợp chặt chẽ giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với tăng cường thi hành pháp luật về bình đẳng giới. Theo đó, cần kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giới với công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, thi hành án để bảo đảm tính khả thi cho các quy định của Luật, đồng thời nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Chú trọng giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ công chức, viên chức của Bộ, ngành Tư pháp để từ đó chủ động hơn nữa trong công tác bình đẳng giới.
3. Nâng cao năng lực tham mưu và tăng cường trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện Luật bình đẳng giới để có thể tư vấn, đánh giá hiệu quả lồng ghép giới vào công tác quản lý nhà nước trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các đơn vị chức năng của Bộ cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, thanh tra và kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý nghiêm minh những vi phạm về pháp luật bình đẳng giới.
4. Gắn kết trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị với kết quả công tác bình đẳng giới của đơn vị và của Bộ, của Ngành. Định kỳ kiểm tra việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng công chức, viên chức nữ theo vị trí việc làm, quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý, lấy kết quả thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới làm tiêu chí chấm điểm thi đua của các đơn vị thuộc Bộ và các Sở Tư pháp.
5. Thường xuyên kiện toàn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho các Ban VSTBPN để đảm bảo tính liên tục và nâng cao chất lượng hoạt động.
Vũ Kim Dung