Sáng 10/9, Công đoàn viên chức Việt Nam đã tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020, triển khai nhiệm vụ và phát động thi đua giai đoạn 2021-2025. Đến dự Hội nghị có đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Về phía Công đoàn viên chức Việt Nam có Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Giang Tuệ Minh; các Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Đông, Phan Phương Hạnh cùng đại diện công đoàn các Bộ, ngành, đơn vị. Công đoàn Báo Pháp luật Việt Nam là đơn vị duy nhất của Công đoàn Bộ Tư pháp vinh dự đạt danh hiệu tập thể “Điển hình tiên tiến” giai đoạn 2016-2020.
Triển khai sâu rộng các phong trào thi đua
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn viên chức Việt Nam Nguyễn Giang Tuệ Minh nêu rõ: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thực hiện lời dạy của Người và nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác thi đua khen thưởng, trong những năm qua, các cấp công đoàn viên chức Việt Nam luôn coi trọng việc tổ chức các phong trào thi đua, phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Tiếp nối truyền thống và kết quả phong trào thi đua yêu nước, trong 5 năm qua, các cấp công đoàn viên chức đã có nhiều nỗ lực đổi mới nhằm nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng phù hợp với tình hình mới, ban hành giải thưởng “Gương mặt của năm” để động viên phong trào. Các cấp công đoàn viên chức đã triển khai sâu rộng các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; tham mưu giỏi, phục vụ tốt; giỏi việc nước, đảm việc nhà; đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng cơ quan văn hóa ngày làm việc 8 giờ chất lượng, hiệu quả…
Từ các phong trào thi đua và các cuộc vận động, 5 năm qua, đã có gần 2.500 sáng kiến được cải tiến, được công nhận; 7.677 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp đã được nghiệm thu, áp dụng trong thực tiễn công tác, đem lại giá trị kinh tế cao; hơn 100 đồng chí đạt các giải thưởng khoa học cấp nhà nước; trên 400 tập thể và cá nhân được tặng Cờ thi đua và Bằng khen của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; trên 4.500 tập thể và cá nhân được Công đoàn viên chức Việt Nam tặng Cờ thi đua và Bằng khen…
Kết quả từ các phong trào thi đua đã góp phần không nhỏ động viên sức sáng tạo, rèn luyện ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng trưởng thành, góp phần tích cực vào cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Tự hào với những thành tích đã đạt được nhưng Công đoàn Viên chức Việt Nam nhận thấy vẫn còn nhiều thiếu sót, bất cập làm hạn chế động lực của phong trào thi đua. Do đó, Hội nghị là dịp để biểu dương các tập thể, cá nhân xuất sắc đồng thời nhìn lại, rút ra bài học kinh nghiệm, giải pháp tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua và các cuộc vận động trong thời gian tới.
Quan tâm xây dựng, ghi nhận danh hiệu lao động sáng tạo
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức, người lao động của Công đoàn Viên chức Việt Nam trong 5 năm qua đã gặt hái nhiều thành công, có những cách làm hay, đạt kết quả, tạo được sức lan tỏa, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Thời gian tới, đồng chí Trần Thanh Hải đề nghị các cấp công đoàn cần nhận thức sâu sắc hơn về kết quả lao động cao của mỗi người là cho mình và cho nhiều người. Lao động chất lượng, hiệu quả cao là két quả tập trung nhất thể hiện vai trò của người lao động trong phát triển cơ quan, đơn vị, xã hội, đất nước. Mỗi người lao động cần nhận rõ giá trị của mình, đóng góp của mình và trách nhiệm của tổ chức công đoàn là góp sức để ngày càng có nhiều người lao động thực hiện được, thực hiện tốt giá trị ấy.
Tiếp tục quan tâm phát triển phong trào thi đua “Lao động giỏi – lao động sáng tạo” phù hợp với từng đối tượng, cụ thể ở từng đơn vị và làm tốt công tác phát hiện, ghi nhận, biểu dương, nhân rộng điển hình. Đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng, ghi nhận danh hiệu lao động sáng tạo dành cho người lao động.
“Điều quan trọng nhất của lao động sáng tạo là phát huy trí tuệ, trách nhiệm cao, hiệu quả lớn và trở thành đỉnh cao của biểu tượng phong trào thi đua yêu nước của công nhân viên chức lao động”, ông Hải nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Hội nghị đã trao Giấy chứng nhận danh hiệu “Điển hình tiên tiến” giai đoạn 2016-2020 cho 25 tập thể, trong đó có Công đoàn Báo Pháp luật Việt Nam và 98 cá nhân, trong đó có 3 cá nhân thuộc Công đoàn Bộ Tư pháp là Vụ trưởng Vụ thi đua – khen hưởng Nguyễn Thị Tố Nga, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Nguyễn Thị Mai và Phó Chánh Thanh tra Bộ Tạ Thị Tài.
K.Quy